Lấn chiếm đất quy hoạch trồng cây keo trái phép tại xã Bình Nghi (Tây Sơn):
Cần xử lý dứt điểm
Tranh thủ đất quy hoạch còn đang “bỏ không”, một số hộ dân ở thôn 2 và thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, đã vào khu vực có tục danh Hòn Ổ Gà (ở thôn 2) phát dọn thực bì, đào hố trồng cây keo trái phép. Ðầu tháng 10.2016, chính quyền địa phương đã phát hiện vụ việc này.
Khu vực Hòn Ổ Gà đã bị các hộ dân lấn chiếm trồng keo trái phép.
Khu vực trồng cây trái phép hiện nay nguyên là khu đất mà ông Tạ Công Lý (trú thôn 2) đã phát dọn, lấn chiếm thêm trong thời gian canh tác trên khu đất liền kề được UBND huyện Tây Sơn cấp cho ông vào năm 2002. Hành vi lấn chiếm của ông Lý bị chính quyền địa phương và ngành chức năng huyện Tây Sơn phát hiện; diện tích đất lấn chiếm được xác định là 6,3 ha.
Trong lúc UBND xã Bình Nghi và ngành chức năng huyện Tây Sơn chuẩn bị làm các thủ tục thu hồi diện tích đất này thì 16 hộ dân ở thôn 2 và thôn Thủ Thiện Thượng làm đơn yêu cầu chính quyền xã, huyện giao khu đất này cho họ canh tác vì cho rằng đây là khu vực họ đã khai hoang từ trước. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế và hồ sơ, giấy tờ liên quan, UBND huyện Tây Sơn đã kết luận yêu cầu của các hộ là không có cơ sở. Vì vậy, tháng 10.2011, UBND huyện ra quyết định thu hồi 6,3 ha đất tại khu vực Hòn Ổ Gà, giao cho UBND xã Bình Nghi quản lý, sử dụng theo quy định.
Theo phương án sử dụng đất của UBND xã Bình Nghi, khu vực này được quy hoạch một phần để xây dựng nghĩa trang nhân dân thôn 2 và thôn Thủ Thiện Thượng, phần còn lại sẽ giao cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất thông qua hình thức đấu giá công khai. Lợi dụng việc chính quyền địa phương chưa triển khai phương án sử dụng đất, thời gian gần đây 12/16 hộ dân có tên trong đơn kiến nghị đã “tranh thủ” lên phát dọn thực bì, đào hố để trồng cây keo. Đến đầu tháng 10.2016, khi chính quyền xã Bình Nghi phát hiện ra sự việc thì cây keo đang sinh trưởng, phát triển khá tốt trên toàn bộ diện tích đất lấn chiếm. Một hộ dân ở thôn 2 bức xúc nói: “Đất do xã quản lý mà tôi thấy mạnh ai nấy vào chặt phát, rồi trồng keo. Trong khi quỹ đất này lại nằm gần khu dân cư, nên việc trồng keo tự phát dễ khiến nguồn nước ngầm bị cạn kiệt. Nếu không xử lý kiên quyết dễ dẫn tới tình trạng hơn thua, tranh giành đất xảy ra”.
Ông Đỗ Văn Định, Chủ tịch UBND xã Bình Nghi, nói: “Sau khi phát hiện sự việc, UBND xã đã thành lập tổ công tác tới hiện trường kiểm tra, đo đạc và lập biên bản đề nghị các hộ dân dừng ngay việc làm sai quy định. Mặt khác, chúng tôi đã có văn bản báo cáo huyện xin ý kiến chỉ đạo để xử lý”.
Ông Đỗ Văn Sỹ, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết: Huyện đã chỉ đạo UBND xã Bình Nghi khẩn trương kiểm tra, xác định cụ thể số hộ dân đã tự ý đến khu vực Hòn Ổ Gà lấn chiếm đất, phát dọn thực bì để trồng keo; mời họ lên làm việc, thông báo rõ về quy hoạch sử dụng đất, phương án và mục đích sử dụng đất tại khu vực này cho các hộ dân biết chủ trương. Nếu ai cố tình vi phạm sẽ lập biên bản xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, huyện cũng giao Phòng TN-MT, Phòng NN&PTNT huyện theo dõi, hướng dẫn xã Bình Nghi lập phương án sử dụng đất theo đúng quy định.
VĂN LỰC - TRỌNG LỢI