Để bằng giả không còn đất sống
Như Báo Bình Định đã thông tin, Bệnh viện đa khoa khu vực Phú Phong đã phát hiện một trường hợp sử dụng bằng giả để xin việc. Theo đó Bệnh viện nhận được hồ sơ xin việc của Nguyễn Văn Thủ (sinh quán xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh), với bằng tốt nghiệp tại Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, trình độ chuyên môn bác sĩ đa khoa, hình thức đào tạo chính quy.
Với một văn bằng “đẹp”, “bác sỹ” Thủ đã được nhận vào làm việc. Nhưng từ đây, dư luận râm ran vì Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh chưa tổ chức tổng kết, sao sinh viên lại có bằng tốt nghiệp? Trước những sự việc đáng ngờ, BVĐK khu vực Phú Phong đã gửi văn bản nhờ Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh xác minh. Kết quả cho thấy, đó là bằng giả và vị bác sỹ giả cũng đã biến mất sau đó. Cũng còn may mắn. Nếu không sớm phát hiện, không biết chuyện gì sẽ xảy ra, không biết bao nhiêu bệnh nhân sẽ gặp nguy hiểm khi rơi vào tay “bác sỹ” không được học hành này.
Và đây không phải là trường hợp sai phạm đầu tiên ở tỉnh ta. Đã từng có một số vụ, một số đường dây làm bằng giả bị truy tố và xét xử; qua đó phát hiện nhiều cán bộ, công chức sử dụng bằng gỉa, gây xôn xao dư luận một thời.
Nhìn rộng hơn ở phạm vi cả nước thì số vụ làm bằng giả nhiều không đếm xuể; đủ thứ bằng cấp đã bị làm giả: bằng tốt nghiệp phổ thông giả, bằng tốt nghiệp đại học giả; chứng chỉ tin học giả, chứng chỉ ngoại ngữ giả... Người sử dụng bằng giả cũng “phong phú” không kém; thường dân có, cán bộ công chức có; nhân viên có, lãnh đạo cũng có. Lại có trường hợp bằng cấp, chứng chỉ thật nhưng học...giả; nghĩa là người học chỉ đến ghi tên, có mặt lấy lệ chứ chẳng học hành gì, thi cử đã có người lo hộ.
Chính phủ và các ngành, các cấp cũng đã ý thức được tác hại của tình trạng bằng giả và đã có nhiều giải pháp ngăn chặn. Ngành GD-ĐT đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các đợt kiểm tra, phát hiện bằng giả. Qua đó, nhiều người làm bằng giả đã phải trả giá trước pháp luật. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2005, qui định cán bộ, công chức sử dụng bằng giả bị buộc thôi việc ngay lập tức, hệt như các trường hợp phạm tội, bị Toà án phạt tù giam và sử dụng ma tuý. Nhưng xem vẫn còn nhiều người chưa từ bỏ ý định làm bằng giả và sử dụng bằng giả.
Vấn đề đặt ra là vì sao có nhiều người sử dụng bằng giả đến như vậy? Phải chăng là do tâm lý sính bằng cấp vẫn còn quá lớn ở xã hội chúng ta? Xin làm việc gì cũng đòi đủ thứ bằng cấp; có những bằng cấp chẳng mấy liên quan đến công việc được giao. Hay do cơ chế tuyển dụng cán bộ, công chức của ta chưa thât chính xác và hợp lý, chỉ biết dựa vào bằng cấp?
Bỡi vậy, bên cạnh việc sử lý nghiêm những người làm bằng giả, sử dụng bằng giả nên chăng cũng cần có cơ chế đánh giá, sử dụng CB,CC đúng với năng lực thật sự của họ. Bằng cấp chỉ nên xem là cơ sở ban đầu cho việc tuyển chọn chứ không phải là tất cả; mỗi người để được tồn tại và phát triển cần một sự sàn lọc chặt chẽ và nghiêm túc.
Ngành giáo dục cần đổi mới mạnh mẽ kiểm tra đánh giá, đặc biệt là đánh giá chất lượng đầu ra để đảm bảo tính chính xác, công bằng, khách quan và cho ra trường những người lao động có chất lượng. Các trường cần phải có hồ sơ lưu, hồ sơ ra trường cần phải có bảng điểm rõ ràng, và phải công khai danh sách các sinh viên tốt nghiệp, được cấp bằng lên website. Điều đó, giúp các cơ quan quản lý, sử dụng lao động có điều kiện để kiểm tra đối chiếu. Phải có yêu cầu người nào sau này phát hiện có bằng giả phải bị hồi tố trách nhiệm cả về kinh tế và chính trị ngay từ khi được tuyển dụng.
Khi ấy hẳn những người sử dụng bằng giả sẽ không còn đất để tồn tại. Và khi không còn người sử dụng bằng giả thì tất nhiên cũng không còn người làm bằng giả.
Ngọc Minh