Tiếp sức cho học sinh vùng khó
Từ 1.9.2016, Nghị định 116 của Chính phủ hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn có hiệu lực thi hành. Nghị định mới hứa hẹn sẽ tiếp thêm sức mạnh, giúp học sinh nghèo, học sinh ở các khu vực khó khăn yên tâm bám trường, gắn lớp, ra sức học tập tốt.
Nghị định 116 là sự tích hợp của các chính sách trước đây nhằm mục đích chung là hỗ trợ học sinh bán trú, học sinh ở các khu vực khó khăn, bao gồm Quyết định 85 về hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú, Quyết định 12 hỗ trợ học sinh THPT ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và Quyết định số 36 về hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, Nghị định 116 có thêm những điều chỉnh, bổ sung nhằm khắc phục những hạn chế của các chính sách cũ.
Một tiết học ở lớp 10A1 Trường PTDTNT huyện Vân Canh.
Học sinh THPT nghèo người Kinh được hỗ trợ gạo
Theo Nghị định 116, về đối tượng học sinh THPT được nhận gạo hỗ trợ (15kg/tháng), ngoài học sinh dân tộc thiểu số, nay còn có học sinh nghèo người Kinh. Các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) huyện rất hoan nghênh việc Nghị định bổ sung đối tượng này, bởi trên thực tế tại các trường, những năm học qua, luôn có những học sinh người Kinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà cách xa trường học, lại thuê nhà trọ học gần trường rất cần được hỗ trợ.
Cũng theo Nghị định 116, các trường PTDT bán trú, trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh bán trú sẽ được hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn. Các trưởng phòng GD&ĐT huyện và hiệu trưởng các trường phổ thông cũng rất vui khi biết Nghị định 116 có chi tiết này.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện An Lão, cho biết: “Lâu nay, Phòng lấy tiết kiệm chi để hợp đồng cấp dưỡng theo mức 1,3 so với mức lương cơ bản. Mức như vậy là khá thấp, trong khi công việc cấp dưỡng vất vả nên nhiều người bỏ việc, tìm người mới cũng không dễ. Theo Nghị định 116 thì sẽ có thêm nguồn bổ sung cho cấp dưỡng”.
Bên cạnh đó, một số bất cập, hạn chế ở những chính sách cũ cũng được Nghị định 116 quy định lại rõ ràng, cụ thể. Đáng chú ý trong số này là quy định học sinh cư trú tại xã khu vực III nhưng học tại xã khu vực II (do đặc điểm địa bàn cư trú gần các trường ở khu vực II hơn) cũng thuộc diện hưởng chính sách hỗ trợ.
Ngoài ra, một học sinh được hưởng các chính sách phải làm cùng một lúc nhiều bộ hồ sơ như hồ sơ nhận tiền hỗ trợ, hồ sơ nhận gạo hỗ trợ, theo quy định cũ, nay với chính sách mới, học sinh đó chỉ cần làm một bộ hồ sơ cho một lần đầu, những năm học tiếp theo, nếu vẫn thuộc diện hộ nghèo, chỉ cần bổ sung giấy tờ chứng minh thuộc hộ nghèo.
Cần sớm thực hiện chính sách
Theo số liệu đã khảo sát từ Sở GD&ĐT, ở cấp tiểu học và cấp THCS, tỉnh ta hiện có 701 học sinh đang học tại trường PTDT bán trú, 1.102 học sinh nhà ở xa trường, 252 học sinh có hộ khẩu thường trú tại xã thuộc khu vực III nhưng đang học tại khu vực II. Với cấp THPT, có 724 học sinh nhà ở xa trường 10 km và 123 học sinh nhà ở xa trường có địa hình cách trở, giao thông khó khăn, nguy hiểm.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn, những chính sách riêng dành cho đối tượng học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh ở những khu vực khó khăn, luôn được ngành hết sức quan tâm và nhanh chóng triển khai thực hiện.
“Mặc dù chưa có Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 116, nhưng sau khi tìm hiểu và biết được các tỉnh, thành khác đã tổ chức triển khai thực hiện việc này, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc tiến hành khảo sát sơ bộ số lượng học sinh trong diện thụ hưởng. Mới đây, Sở đã làm tờ trình gởi các sở, ngành liên quan và UBND tỉnh xem xét”, người đứng đầu ngành GD&ĐT tỉnh cho biết.
Việc các trường khảo sát số học sinh THPT nghèo người Kinh để hỗ trợ gạo khiến nhiều phụ huynh phấn khởi. Gia đình ông Trương Đình Thân ở xã Canh Hiển (huyện Vân Canh) thuộc diện hộ nghèo. Vợ chồng ông Thân có hai con lớn đang học lớp 10 và lớp 12 ở Trường PTDTNT Vân Canh. Quần quật trên mấy sào ruộng, cộng với làm thuê làm mướn mỗi khi rảnh tay nhưng vợ chồng ông chẳng đủ nuôi bốn con ăn học. Ngay cả khoảnh đất cất căn nhà cấp 4 của gia đình là đất mượn của xã, nên ông Thân không biết khi nào đất bị thu lại. Thế nên khi nghe được Nhà nước cho gạo cả nhà ông cùng mừng vui.
“Thấy các con lo học hành, vợ chồng tôi động viên nhau, thôi thì cứ ráng được lúc nào thì ráng. Với chúng tôi, bất kỳ sự hỗ trợ nào từ Nhà nước cho việc học của các cháu, cho nỗi nhọc nhằn của chúng tôi vơi bớt, dù là rất nhỏ, gia đình chúng tôi cũng vô cùng trân quý, bởi hơn hết đó là cảm giác được san sẻ, tiếp sức. Mong rằng, chính sách mới sẽ sớm được triển khai thực hiện”, ông Thân gửi gắm.
NGỌC TÚ