45 năm xây dựng và phát triển Trường Trung cấp VHNT Bình Ðịnh:
Tự hào những chặng đường cống hiến
“Từ trong chiến khu xưa những người thầy, người cô, những người anh, người chị không quản hi sinh không ngại gian khó. Dù cho bão táp mưa sa, dù cho bom đạn thét gào, cùng đoàn kết bên nhau luôn kiên vững một lòng” (Yêu sao trường tôi, Phan Thanh Hùng), những lời ca vang vang tự hào khi Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Bình Ðịnh chạm mốc kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập trường.
Thực hiện chủ trương của Ban Tuyên giáo Khu V, tháng 10.1971, Tỉnh ủy Bình Định ra quyết định thành lập Trường Tổng hợp (trực thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy). Tính đến tháng 3.1975, Trường đã bồi dưỡng, tập huấn được 8 khóa học với hơn 1.578 cán bộ, thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền dân vận và địch vận.
Cán bộ, giáo viên Trường Trung cấp VHNT Bình Định.
Vượt qua gian khó
Sau giải phóng đến nay, Trường Tổng hợp nỗ lực không ngừng trên những chặng đường phát triển, đã qua một số lần đổi tên và đến nay thành Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) Bình Định.
“Giai đoạn 1975 - 1985 là thời kì cam go nhất, để đứng vững và tồn tại đã là khó, chứ chưa dám nói đến phát triển về đào tạo. Nhờ ý chí phấn đấu, tinh thần đoàn kết vươn lên của tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh, Trường đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách”, ông Nguyễn Hồng Tĩnh, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp VHNT Bình Định, nhấn mạnh.
Xác định đa dạng hóa các loại hình đào tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, một mặt nhà trường tăng cường mở rộng ngành nghề đối với các lớp trung cấp hệ chính quy, mặt khác xúc tiến mở các lớp trung cấp hệ vừa học vừa làm ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Từ năm 1986 đến nay, nhà trường đã đào tạo được 2.367 học sinh trung cấp hệ chính quy, 455 học sinh hệ vừa làm vừa học. Ngoài ra, còn triển khai thường xuyên việc mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho hơn 1.000 học viên.
“Tiếp nối các thế hệ trưởng thành từ Trường Trung học VHNT Bình Ðịnh, có nhiều người hiện là NSND, NSƯT, các tác giả, họa sĩ, nhạc công, diễn viên trẻ triển vọng đã và đang là lực lượng chính, hạt nhân nòng cốt của Ðoàn Ca kịch Bài chòi Bình Ðịnh và Nhà hát tuồng Ðào Tấn”.
Ông NGUYỄN AN PHA, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, nguyên Quyền Hiệu trưởng Trung cấp VHNT Bình Định
Thạc sĩ Nguyễn Lệ Kiều Ngân, cán bộ Phòng Đào tạo, cho biết: “Những năm gần đây, các trường Trung cấp VHNT trong toàn quốc nói chung gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh. Vì vậy, Ban giám hiệu Trường Trung cấp VHNT Bình Định rất quan tâm đến việc đánh giá chính xác thực trạng, tìm ra những hướng đi mới, phù hợp. Từ đó, Trường đã mở các ngành đào tạo mới, như sư phạm Âm nhạc, sư phạm Mỹ thuật, Văn hóa du lịch”.
Từ năm 2008 đến nay, trường Trung cấp VHNT đẩy mạnh liên kết với các Trung tâm VH-TT&TT và Trung tâm Giáo dục thường xuyên các huyện để đào tạo các lớp trung cấp; liên kết với các Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Đại học Nghệ thuật Huế, Học viện Âm nhạc Huế... để đào tạo đại học (hệ vừa làm vừa học). Đến nay, đã mở được 34 lớp liên kết đào tạo, với tổng cộng 1.258 học viên theo học các ngành: Sáng tác âm nhạc, Thư viện, Quản lý văn hóa, Văn hóa du lịch, sư phạm Âm nhạc, sư phạm Mỹ thuật, Bảo tàng.
PGS.TS Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật Huế, chia sẻ: “Trường Đại học Nghệ thuật Huế và Trường Trung cấp VHNT Bình Định đã nhiều năm cùng chia sẻ những khó khăn chung trong hợp tác đào tạo nguồn nhân lực. Đây là điều đáng quý và trân trọng. Qua việc tạo điều kiện thuận lợi nhiều mặt cho các đơn vị liên kết, giữa hai trường đã có sự gắn bó mật thiết, đạt được những hiệu quả đáng ghi nhận”.
Nâng cao chất lượng đào tạo
Ban giám hiệu Trường Trung cấp VHNT Bình Định luôn quan tâm đến công tác nâng cao chất lượng đào tạo. Các khoa trong trường tổ chức cho giáo viên biên soạn chương trình giảng dạy, đồng thời viết sáng kiến kinh nghiệm, biên soạn chuẩn đầu ra cho từng ngành học. Trường đã có nhiều giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp Bộ. Trong số 26 giáo viên của Trường, hiện có 9 thạc sĩ.
Trường không ngừng rà soát lại nội dung chương trình đào tạo phù hợp, gắn bó với thực tế đời sống. Mục tiêu đào tạo của từng ngành học được xác định rõ ràng, đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng. Từ đó, giáo trình đào tạo, phương pháp đào tạo được vạch kế hoạch cụ thể và chi tiết để đạt được mục đích. Giáo viên giảng dạy kết hợp cả phương pháp truyền thống và hiện đại.
Giáo viên Phạm Hồng Tráng, khoa Âm nhạc, chia sẻ: “Đội ngũ giáo viên của khoa luôn đề cao sự gắn kết giữa lí thuyết với thực tiễn, phổ dụng và đặc biệt chú trọng đến việc rèn luyện kỹ năng thực hành cho học sinh. Các thế hệ học sinh Trung cấp Âm nhạc chuyên ngành, sư phạm Âm nhạc sau khi tốt nghiệp, phần lớn đều có việc làm ổn định tại các Trung tâm VH-TT&TT, Phòng VH-TT, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, các trường tiểu học, THCS ở trong và ngoài tỉnh”.
Chất lượng đào tạo của nhà trường ngày càng được nâng cao, nhiều cán bộ ngành văn hóa của tỉnh nhà và các tỉnh trong khu vực, giáo viên là Nhà giáo ưu tú, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp Bộ, vốn là học sinh của trường.
Nhạc sĩ, thầy giáo Trần Ngọc Sơn (42 tuổi) tâm sự: “Tôi tốt nghiệp trung cấp âm nhạc chuyên ngành Guitar, sau này trở về Trường học tiếp lên đại học ngành sư phạm Âm nhạc liên kết với Học viện Âm nhạc Huế. Kiến thức từ sự truyền dạy tận tâm của thầy cô tại Trường, là nền tảng quan trọng giúp tôi thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học tại huyện Vĩnh Thạnh trong nhiều năm qua, đồng thời sáng tác những ca khúc được khán giả đón nhận”.
45 năm xây dựng và phát triển, Trường Trung cấp VHNT Bình Ðịnh đã đón nhận nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhì (2011-2016); 2 Huân chương Lao động hạng Ba (1976-1995 và 2006-2011); Huân chương Giải phóng hạng Ba (1971-1974); cùng nhiều Cờ thi đua xuất sắc, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT &DL, Bộ Công an, UBND tỉnh...
HOÀI THU