Cần sửa đổi Luật giáo dục đại học để phù hợp với quyền tự chủ
Để thực hiện tự chủ đại học, làm đòn bẩy nâng cao chất lượng đào tạo và năng lực sáng tạo khoa học - công nghệ của các trường, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, cần sớm sửa đổi Luật Giáo dục đại học và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, ngay trong Luật Giáo dục vẫn có những quy định hạn chế quyền tự chủ của cơ sở giáo dục. Ví dụ, về học thuật, cơ sở giáo dục đại học không được tự quyết định chương trình đào tạo mà phải theo chương trình khung do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Về tổ chức, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học không phải do tập thể giảng viên, viên chức hoặc Hội đồng của cơ sở đó bầu mà do cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm (đối với cơ sở giáo dục đại học công lập) hoặc công nhận (đối với cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập).
Về chế độ đãi ngộ, nhà giáo và viên chức của cơ sở giáo dục đại học được trả lương theo quy định về ngạch bậc và lương, phụ cấp của Chính phủ.
Phân tầng dẫn đến cuộc cạnh tranh không bình đẳng
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, theo quy định của Luật, Nhà nước vẫn đóng vai trò kiểm soát rất lớn như đối với các cơ sở giáo dục đại học, việc xác định sứ mạng đóng vai trò rất quan trọng vì đó là lý do tồn tại, quyết định hướng phát triển và khả năng cạnh tranh của mỗi trường.
Tuy nhiên, ngay từ việc phát triển trường theo định hướng nào (nghiên cứu, ứng dụng hay vừa nghiên cứu vừa ứng dụng) cũng do các nhân tố ngoài trường quyết định là chính.
Bởi vì theo quy định của Luật thì “cơ sở giáo dục đại học được phân tầng thành: Cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu; Cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng; Cơ sở giáo dục đại học định hướng thực hành” ; mỗi tầng lại gồm các hạng; và “căn cứ kết quả xếp hạng, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định kế hoạch ưu tiên đầu tư, giao nhiệm vụ và cơ chế quản lý đặc thù đối với các cơ sở giáo dục đại học...
GS Thuyết phân tích, theo quy định này, các cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu được xếp trên tầng cao nhất, còn cơ sở giáo dục đại học định hướng thực hành dưới tầng thấp nhất; tầng trên tầng dưới có quyền lợi khác nhau.
Bởi vậy, việc định hướng phát triển dễ bị chi phối vì lợi ích: hầu hết các cơ sở giáo dục đại học, kể cả những trường ngoài công lập mà trụ sở, giảng đường còn phải đi thuê, giảng viên cơ hữu chỉ trong khoảng 50 người, đều xác định là cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu.
Nhưng “tiêu chuẩn phân tầng cơ sở giáo dục đại học” lại do Chính phủ quy định. Điều đó có nghĩa là sứ mạng của trường không còn phụ thuộc vào nguyện vọng của những người sáng lập và tập thể nhà trường nữa.
Theo GS Nguyễn MinhThuyết, sự phân tầng trên dưới có tính chất cố định bằng pháp luật, sự xếp hạng cao thấp có tính chất lâu dài bằng văn bản công nhận của người đứng đầu Chính phủ và những sự ưu đãi khác nhau, mức độ tự chủ khác nhau theo các tiêu chí tầng trên/tầng dưới, hạng cao/hạng thấp, công lập/tư thục, trong nước/nước ngoài sẽ dẫn đến một cuộc cạnh tranh không bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đại học.
Các cơ sở ở tầng dưới, thứ hạng thấp, ưu đãi kém sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện quyền tự chủ, còn những cơ sở đã được cố định ở tầng cao, thứ hạng cao, ưu đãi cao cũng sẽ mất dần động cơ phấn đấu.
Về tổ chức và nhân sự, GS Thuyết cho hay, mỗi cơ sở giáo dục đại học công lập đều thuộc một cơ quan chủ quản. Cơ quan này quyết định việc thành lập, chia tách, sát nhập, giải thể các trường bổ nhiệm chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng. Cơ quan chủ quản còn quyết định biên chế, xếp bậc lương và trả lương cho cán bộ, giảng viên, viên chức toàn trường.
Vai trò Hội đồng trường mờ nhạt
Về Hội đồng trường, GS Nguyễn Minh Thuyết phân tích, Luật Giáo dục đại học quy định trường đại học có hội đồng trường (ở đại học quốc gia và đại học vùng là hội đồng đại học; ở trường đại học tư thục là hội đồng quản trị).
Hội đồng trường (hội đồng đại học) ở trường công lập, về hình thức, được trao quyền rất lớn, nhưng không có quyền bầu và miễn nhiệm hiệu trưởng (hoặc giám đốc đại học) nên về nguyên tắc hiệu trưởng (giám đốc) không phải chịu trách nhiệm trước hội đồng.
Hiệu trưởng (giám đốc) cũng không phải chịu trách nhiệm trước tập thể cán bộ, viên chức nhà trường vì cơ quan chủ quản chỉ tổ chức lấy phiếu thăm dò tín nhiệm từ một số đại diện cán bộ, giảng viên, viên chức của trường và kết quả thăm dò không được công bố. Nói cho đúng thì hiệu trưởng (giám đốc) chỉ chịu trách nhiệm trước cấp trên, giống người đứng đầu tổ chức thuộc hệ thống hành chính hơn là người đứng đầu tổ chức tự quản.
Hội đồng trường (hội đồng đại học) thường do hiệu trưởng (giám đốc) làm chủ tịch, do đó, hội đồng đóng vai trò tư vấn hơn là một hội đồng quyền lực.
Mặt khác, theo GS Thuyết, ở các cơ sở giáo dục đại học công lập Việt Nam, tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam mà đại diện là Đảng ủy mới là cơ quan lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối, từ chiến lược phát triển dài hạn, kế hoạch hằng năm đến tổ chức, nhân sự, tài chính, các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và mọi hoạt động khác của cơ sở giáo dục.
Mối quan hệ giữa tổ chức Đảng với hội đồng trường chưa được Luật Giáo dục đại học quy định rõ nên hội đồng trường chỉ mang tính hình thức, không có thực quyền.
Thời gian vừa qua, các hội đồng này gần như không hoạt động, các thành viên ngoài trường hầu như không dự phiên họp nào, không có bất cứ hoạt động gì, trừ sự hiện diện tại phiên họp công bố quyết định thành lập hội đồng.
Về tài chính, GS Thuyết cho hay, cơ sở giáo dục đại học công lập nhận kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước theo chỉ tiêu đào tạo, tức là số lượng người học được Nhà nước đài thọ (số này thường chỉ bằng 1/3 số người học trong thực tế) và “có trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước”.
Cơ sở giáo dục đại học được quyết định mức học phí trong phạm vi khung học phí do Chính phủ ban hành. Kinh phí học phí được coi là nguồn bổ sung ngân sách nhà nước và cũng phải sử dụng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Ngoài ra, cơ sở giáo dục đại học công lập còn được phân bổ kinh phí nghiên cứu khoa học theo số lượng cán bộ, giảng viên, thường là bằng 1/3 kinh phí chi theo số lượng cán bộ cho các viện nghiên cứu khoa học.
Cần sửa đổi Luật Giáo dục đại học
Để thực hiện tự chủ đại học, làm đòn bẩy nâng cao chất lượng đào tạo và năng lực sáng tạo khoa học - công nghệ của các trường, GS Thuyết cho rằng, cần sớm sửa đổi Luật Giáo dục đại học và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Cụ thể, cần tập trung vào một số vấn đề sau:
Bỏ quy định phân tầng đại học. Cơ sở giáo dục đại học có quyền tự xác định hướng phát triển của mình và thay đổi hướng phát triển phù hợp với điều kiện và nhu cầu của mỗi giai đoạn. Bỏ quy định cơ quan quản lý nhà nước xếp hạng cơ sở giáo dục đại học.
Bãi bỏ cơ chế “Bộ chủ quản”; chấm dứt việc giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với cơ sở giáo dục đại học; các cơ sở giáo dục đại học chỉ chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nghiên cứu, giải quyết mối quan hệ giữa hội đồng trường (hội đồng quản trị) với tổ chức, cá nhân có liên quan, trước hết là với Đảng ủy ở trường công lập và nhà đầu tư ở trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận để hội đồng có đủ năng lực và thực quyền quyết định các vấn đề của nhà trường.
Chuyển đổi cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước: Từ cơ chế phân bổ theo các tiêu chí đầu vào sang phân bổ theo các tiêu chí đầu ra, gắn với kết quả kiểm định chất lượng đào tạo và xếp hạng; từ cơ chế ưu tiên đầu tư cho cơ sở giáo dục đại học theo thứ hạng cố định trong Luật sang cơ chế ưu tiên đầu tư theo kết quả xếp hạng trong 5 năm gần nhất;
Từ cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước theo tỉ lệ đồng đều đối với tất cả các ngành học sang cơ chế Nhà nước đặt hàng đối với một số ngành nghề đặc thù, mũi nhọn mà Nhà nước và xã hội cần nhưng khó thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo;
Từ cơ chế hỗ trợ thông qua học phí thấp đối với tất cả học sinh, sinh viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập sang cơ chế cấp học bổng tương xứng với chi phí đào tạo đối với sinh viên thuộc diện được hưởng chính sách xã hội, sinh viên giỏi, sinh viên theo học một số ngành nghề đặc biệt theo yêu cầu của Nhà nước.
GS Thuyết đề nghị sửa lại quy định tại Khoản 7 Điều 4 về cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận theo quy định tại Điều lệ trường đại học (ban hành theo Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ): Cơ sở giáo dục đại học hoạt động không vì lợi nhuận không tổ chức đại hội cổ đông; hội đồng quản trị đại diện cho quyền sở hữu chung của cộng đồng nhà trường, là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà trường; đại diện cho các thành viên góp vốn chiếm không quá 20% tổng số thành viên của hội đồng quản trị.
Quy định cụ thể hơn về trách nhiệm giải trình (accountability) của cơ sở giáo dục đại học, bao gồm các nghĩa vụ cung cấp thông tin, lý giải và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của nhà trường.
Theo Dân trí