Nhà hát Tuồng Ðào Tấn và Ðoàn Ca kịch bài chòi Bình Ðịnh:
Vẫn nỗi lo thiếu đào, kép trẻ và giỏi nghề
Trong khi các diễn viên gạo cội đã và sắp sửa chia tay sân khấu vì đến tuổi hưu, lớp diễn viên kế cận ở hai đơn vị nghệ thuật truyền thống chuyên nghiệp của tỉnh vẫn chưa thật sự vững vàng để gánh vác nghiệp tổ. Ðoàn Ca kịch bài chòi Bình Ðịnh đang thiếu diễn viên nam nghiêm trọng; ở Nhà hát Tuồng Ðào Tấn, dàn diễn viên nữ mỏng về số lượng, còn diễn viên nam khá đông nhưng chưa đủ sức vào các vai quan trọng…
Sân khấu truyền thống Bình Định vốn có thế mạnh khai thác đề tài lịch sử, bởi vậy, để viết tiếp truyền thống này, diễn viên kế cận chủ lực ở hai đơn vị nghệ thuật cần nỗ lực để đảm trách các vai nhân vật lịch sử lớn và khó.
- Trong ảnh: NSND Hoài Huệ (phải) và NSƯT Tấn Hào trong vở “Khúc ca bi tráng”.
“Tre” đã già, “măng” chưa vững
Trong vở “Nước non cửa Phật” - vở mới nhất của Nhà hát Tuồng Đào Tấn - vai chính Trần Nhân Tông do một gương mặt quá quen thuộc đảm nhận: NSND Xuân Hợi. “Lúc đầu, Hội đồng Nghệ thuật Nhà hát mạnh dạn giao vai Trần Nhân Tông cho Đức Thành. Giao vai linh hồn của vở diễn cho nghệ sĩ trẻ, nhất là lại để đi thi, chúng tôi xác định tạo điều kiện cho lớp trẻ trưởng thành qua những vai diễn lớn, giúp họ có cơ hội lập thành tích nghệ thuật, tích lũy huy chương. Tuy nhiên, khi dựng vở được nửa đường, xét thấy lực diễn của diễn viên chưa đủ độ chín cho một vai tầm vóc như thế, đạo diễn yêu cầu thay vai chính. Chúng tôi rất tiếc…” - NSƯT Nguyễn Gia Thiện, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Tuồng Đào Tấn, kể.
Chuyện hai kép gạo cội của Nhà hát Tuồng Đào Tấn là NSND Xuân Hợi và NSND Minh Ngọc tuy ngấp nghé tuổi hưu nhưng vẫn phải đảm trách vai chính hầu hết các vở, đặc biệt các vở được dựng trước hết để tham gia các cuộc thi của ngành, là lựa chọn bất đắc dĩ. Nguyên nhân không gì khác ngoài việc lớp diễn viên kế cận chưa đủ lực. Thậm chí, vở “Thạch Sanh - Lý Thông”, hai nhân vật chính là thanh niên, thì NSND Xuân Hợi (vai Lý Thông) và NSND Minh Ngọc (vai Thạch Sanh) cũng phải “cưa sừng làm nghé” để vào vai.
Thiếu người, lực và tầm diễn của diễn viên trẻ chưa đủ để vào các vai lớn và khó cũng đang là mối lo ở Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định. Vốn được đánh giá cao về hiệu quả công tác đào tạo, truyền nghề, song Đoàn bỗng lâm vào cảnh thiếu kép nghiêm trọng. Đoàn từng có ba kép trẻ trụ cột là Hoài Tâm, Thanh Hải và Phương Phú; trong đó, được đánh giá nổi trội nhất là Hoài Tâm. Tuy nhiên, vài năm nay, khả năng biểu diễn của Hoài Tâm bị giới hạn sau tai nạn ở chân; còn Thanh Hải thì đã bỏ nghề cách đây không lâu. Cũng bởi dàn diễn viên trẻ chưa đủ sức vào những vai diễn “hóc búa” nên với vai Võ Tánh và Ngô Tùng Châu của vở “Khúc ca bi tráng”, dù quyết liệt thực hiện “trẻ hóa” sân khấu, Đoàn cũng đành giao vai cho hai diễn viên gạo cội là NSND Hoài Huệ và NSƯT Tấn Hào.
“Chúng tôi rất tiếc…”
NSƯT NGUYỄN GIA THIỆN, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Tuồng Đào Tấn
Hiện tại, Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định gần như “né” các kịch bản nhiều vai nam trẻ hay là nhân vật quan trọng. “Nếu kép của Đoàn có thêm được vài người như bên đào hoặc sức khỏe của Hoài Tâm đảm bảo, Đoàn có thể dựng “Chuyện tình bên sông Lại” - một kịch bản về võ cổ truyền Bình Định. Hai nhân vật nam trong tác phẩm này có những màn tập luyện, đối đầu về võ thuật gay cấn, trong khi chân Hoài Tâm không thể thực hiện những màn này, đành lỡ hẹn với một vở bài chòi đề tài về di sản văn hóa Bình Định. Thật sự rất tiếc…” - NSND Hoài Huệ chia sẻ.
Chấp nhận “lùi để tiến”
Dù thời gian qua, Nhà hát Tuồng Đào Tấn đã có những chuyển biến tích cực hơn trong giao vai cho diễn viên trẻ và đã có một số vở phục dựng sử dụng dàn diễn viên trẻ như “Quang Trung đại phá quân Thanh”, “Tam hùng kiệt”… Song xem ra, chủ trương này vẫn cần thêm thời gian ấn chứng. Mỗi khi đi thi, Nhà hát lại chọn “xác suất an toàn” bằng việc tin dùng dàn diễn viên gạo cội. Qua hàng chục năm, mỗi mùa thi, hội diễn, Nhà hát lại “trưng” toàn gương mặt cũ, thực trạng thiếu hụt diễn viên kế cận qua đó cũng được soi chiếu rõ ràng nhất!
Theo NSƯT Gia Thiện, dẫu vậy, với lớp diễn viên kế cận hiện tại của Nhà hát, lực lượng kép lại có phần yên tâm hơn đào cả về số lượng lẫn chất lượng. Về kép, Nhà hát có Mai Ngọc Nhân, Đức Khanh, Đức Thành, Thái Phiên, Tuấn Long…; trong khi đào khá vững nghề mới chỉ có Hoàng Thanh Bình, Thu Thẳm; lứa kế tiếp như Cẩm Nhung, Tùng Quyên, Mai Vân, Thanh Vân, Minh Trang… vẫn phải được đào tạo thêm.
Còn Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định xem ra khó khăn hơn, vì không còn diễn viên để phát triển hay bổ sung, mà trước mắt chỉ hy vọng vào chất lượng của 7 diễn viên nam lớp trung cấp Dân ca (khóa 6) đang đào tạo. Trong khi đó, Nhà hát Tuồng Đào Tấn có lợi thế là còn khá nhiều diễn viên trẻ để đào tạo, bổ sung.
Với nghệ sĩ biểu diễn, cách duy nhất hiệu quả để nghề nghiệp ngày càng chín là phải được diễn nhiều, diễn thường xuyên. Bởi vậy, những năm tới, “câu chuyện cũ” non nghề ở một số diễn viên kế cận hay nhân lực mỏng ở mảng kép - đào… của sân khấu truyền thống chỉ có thể được cải thiện nếu công tác đào tạo, truyền nghề được thực hiện quyết liệt hơn. Chấp nhận “lùi để tiến”, tin tưởng giao vai cho các diễn viên có trình độ đáp ứng tương đối, để họ dần vững nghề hơn; đồng thời, tích cực đào tạo lớp dự nguồn để đội ngũ diễn viên không bị hẫng hụt, số lượng đủ yêu cầu và đạt trình độ nghệ thuật, vẫn là vấn đề quan trọng mà hai đơn vị nghệ thuật truyền thống cần ưu tiên giải quyết.
SAO LY