Chứng thực hay xác nhận?
Hiện nay, việc xác nhận, chứng thực sơ yếu lý lịch cho người dân có nhu cầu do UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh thực hiện còn có sự bất nhất. Nội dung xác thực hoặc chứng thực lý lịch tại các xã có sự khác nhau, như: “khai đúng sự thật”, hoặc “người dân có hộ khẩu thường trú tại địa phương”, có nơi thì chứng thực chữ ký của người khai trong lý lịch. Điều này gây ra ít nhiều phiền hà cho người dân.
Đơn cử, một trường hợp người dân sống tại xã An Hòa (huyện An Lão) nộp hồ sơ xin việc làm tại huyện Hoài Ân. Lý lịch của người này được UBND xã An Hòa chứng thực chữ ký của người khai. Tuy nhiên, cơ quan nhận hồ sơ xin việc ở huyện Hoài Ân lại yêu cầu lý lịch phải có xác nhận của UBND xã thì mới chấp nhận. Vấn đề này cho thấy, sự không thống nhất của các cơ quan nhà nước trong việc hiểu và áp dụng các quy định.
Tại Công văn 1520/HTQTCT-CT ngày 20.3.2014 của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp), về việc hướng dẫn xác nhận sơ yếu lý lịch, có quy định: “UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn chỉ thực hiện chứng thực chữ ký của người khai sơ yếu lý lịch; người khai phải tự chịu trách nhiệm về nội dung đã khai trong lý lịch. Trong trường hợp người thực hiện chứng thực của UBND cấp xã biết rõ về nhân thân của người khai sơ yếu lý lịch và yên tâm, tin tưởng vào nội dung đã khai trong sơ yếu lý lịch của người đó, thì xác nhận nội dung sơ yếu lý lịch là đúng”.
Mặt khác, tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16.2.2015 của Chính phủ, về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, có quy định thủ tục chứng thực chữ ký được áp dụng đối với các trường hợp chứng thực chữ ký của người khai lý lịch cá nhân. Theo Sở Tư pháp, Nghị định này không đề cập đến vấn đề UBND xã, phường, thị trấn được hay không được xác nhận nội dung khai trong sơ yếu lý lịch cá nhân. Vì vậy, việc chính quyền các địa phương xác nhận nội dung sơ yếu lý lịch hay chứng thực chữ ký đều không sai. Như vậy, trong trường hợp nêu trên, lý lịch của người dân xã An Hòa đã được UBND xã An Hòa chứng thực chữ ký của người khai, mà cơ quan tiếp nhận hồ sơ xin việc ở huyện Hoài Ân không chấp nhận là không đúng theo tinh thần Nghị định 23/2015 của Chính phủ.
Thực tế, chính quyền địa phương không thể nắm được mọi thông tin cá nhân của tất cả người dân đang thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn. UBND cấp xã chỉ cần chứng thực chữ ký là đủ và hợp lý. Vì vậy, UBND cấp xã không chịu trách nhiệm về nội dung của sơ yếu lý lịch, mà người khai phải tự chịu trách nhiệm về lời khai của mình. Theo Nghị định 23/2015 của Chính phủ, người dân có thể chứng thực chữ ký ở bất kỳ nơi đâu chứ không cần về nơi có hộ khẩu thường trú để xin chứng thực. Đây là quy định tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Từ những bất cập nêu trên, các sở, ngành chuyên môn cần sớm có hướng dẫn cụ thể để việc áp dụng các quy định tại văn bản pháp quy thống nhất ở các cơ quan, địa phương.
KIM CHI