Con mương Xóm Ðậu
* Tản văn của LÂM KHOA
Tui còn nhớ như in hình ảnh mấy dì, mấy má đang lom khom đãi đỗ nành dưới bến mương, chỗ chân cầu Tá. Chiều nào cũng như chiều nào, khi ánh nắng đã nhợt hắt lên ngọn rù rì dọc bến nước nhạt một màu vàng nhạt, khi bầy vịt bác Sáu Niệm đang lúc lỉu cái diều căng tròn, thủng thẳng nối đuôi nhau về sau một ngày bì bõm thỏa thích, cũng là lúc các dì, các má cắp bên nách thúng đỗ nành, xúng xính, í ới gọi nhau ra bến mương để đãi cho sạch đất. Tiếng nói chuyện, tiếng cười đùa lao xao cả bến nước.
* * *
Chắc cũng mười, mười lăm năm rồi chớ không ít. Ngày ấy nước mương trong lắm, xanh tới đáy, lại sâu nữa, người lớn đứng còn lút đầu, giơ tay hổng thấy. Mỗi buổi trưa hè bao giờ cũng là giấc mơ tuyệt đẹp của tụi con nít trong Xóm Ðậu. Còn phải hỏi, không cần rườm rà bấm điện thoại: “A lô, mầy đang ở đâu á?” như bây giờ; hổng cần hỏi trước cũng biết tụi nó đã tập trung đầy đủ ở cầu Tá, chuẩn bị nhảy ùm xuống nước vẫy vùng cho đã đời ông địa.
Ký ức tuổi thơ. Ảnh sưu tầm internet
Mười mấy thằng con nít cởi trần, cởi truồng tồng ngồng như nhộng, vắt hết quần áo vô gốc tre dại sát chân cầu, rồi lao ào ra dòng nước mát. Thằng nào bạo gan thì đứng trên mép cầu mà lộn bổ nhào xuống tìm chút cảm giác mạo hiểm. Dầm mình cả buổi không biết chán. Tắm thỏa thích rồi lại chia phe ra chơi dí bắt dưới nước. Ðứa nào cũng giành theo phe thằng Mùi. Mà cũng phải thôi, thằng này bơi lặn cứ như rái cá, mới thấy ở bờ bên kia, mà nó làm một hơi là tới luôn gốc sung bên nầy. Nó được mệnh danh là “Yết Kiêu Xóm Ðậu” cũng vì lẽ đó.
Bữa nọ, thằng Bét nghịch thiên, thừa cơ mấy đứa chơi ma da lên bờ say sưa quên trời đất, liền hốt hết mớ quần đùi tụi nhỏ nhét ở gốc tre rồi giấu dưới ống dầu chạy nước. Mười hai thằng tắm mương đã đời xong lên bờ hổng thấy cái quần mình nó nằm ở hướng nào, lục nát cả lùm tre cũng hổng có. Thằng nào thằng nấy mặt mày tái mét, khóc mếu máo, bứt mỗi đứa hai cái lá môn che trước, che sau lủi về như ăn trộm, nhìn tiếu lâm không chịu được.
Có bữa, thằng Hiệu xin được đâu cái ruột xe bò, trưa đấy liền vác ra mương giở trò kiếm chác: “Ðứa nào muốn ôm bánh xe bơi đóng cho tao hai trăm, từ chỗ đây xổ tới nhà Hai Cành”. Cả đám nhao nhao hết lên, cu nào cũng đòi đi trước. Thằng Phiên thèm đi quá mà không có một xu dính túi nên năn nỉ:
- Tao hổng có tiền, mầy cho tao đi ba dòng, chút dìa tao bắt cho mầy con cá bốn đuôi, chịu hôn?
- Dẹp, cho mầy đi hai dòng, chịu thì đi.
Thằng Phiên dù tiếc đứt ruột, mà thấy tụi kia ôm bánh xe bơi sướng quá cũng đành tặc lưỡi hy sinh con cá để được đi hai chuyến. Vậy mà sướng thí mồ tổ luôn.
Có lẽ thích nhứt là lừa bò ra mương tắm. Leo lên lưng nó rồi thúc con bò bơi dọc xuống móng cầu Tá, chỗ sâu nhất ấy. Con bò phình bụng thở phì phè, chầm chậm quạt chân đưa tới, thằng con nít ngồi trên lưng quát tháo ỏm tỏi: “Dí dọ!… Dí dọ!...”, uy ghi, lẫm liệt chả thua bố con ông tướng quân ra trận một tý tẹo nào.
Chậc, tự nhiên nhớ quá trời những buổi trưa, dọc bờ mương từ hầm tát ông Dĩ xuống lùm trúc, cây xoài nhà Hai Nhơn, rồi tới cầu Tá, xuôi dọc xuống cây sung trên nhà Bốn Trụi, chỗ nào cũng rôm rả tiếng đùa giỡn của tụi con nít trong xóm. Ở nhà nóng bức, oi ả, mấy người lớn tranh thủ ngả lưng ở cái võng tre ngoài hàng ba mà nghỉ ngơi, chán òm. Rồi đường nào không ba thì cũng má quát: “Thằng kia, trưa nắng ở nhà ngủ nhá, lủi đi chơi dang nắng là ăn roi dập đít nghen con”. Thây kệ, mấy lời hăm he kia nghĩa lý gì! Giả đò trèo lên phản lim dim mắt cho ba má hết nghi ngờ, mười lăm phút sau lại rón rén dọt ra mương ngay.
Con mương hệt như khu suối thần tiên ở khu vườn cổ tích trong trí tưởng tượng của bọn con nít Xóm Ðậu. Bên kia bờ, từng đám rau ngổ, rau răm, húng lủi trên đám đất dỡ thoai thoải bò lên, rậm ri một màu xanh ngăn ngắt. Rồi từng lùm dứa dại, chim chim, dú dẻ chen nhau ụn lên xanh um, nhìn mướt rượt, đã con mắt. Bên này bờ, sau đám đất nhà ông Hai Nhơn là cây thầu đâu đang đứng liêu xiêu, oằn mình nằm sõng soài ra mặt nước, như một kẻ say rượu đang dựa cột điện. Ấy thế mà nó chẳng bao giờ chịu đổ hẳn xuống, cứ tà tà mặt nước như đang trêu ngươi tạo hóa. Chô cha, trưa đứng bóng ra trèo lên cây thầu đâu nầy ngồi đọc truyện thiệt hết sẩy. Hơi nước dưới mương nhẹ nhàng đưa lên mát lạnh, đầu óc sảng khoái, thãnh mãnh ra liền. Thằng Bình Cang chịu chơi, đầu tư hẳn hoi cái võng lưới đem ra cây thầu đâu cột lủng lẳng trên đọt, để trưa trưa ra nằm cho xuống cơm. Vừa nằm đu đưa, vừa dỏng mỏ lên hát mất câu ba xàm, hổng trúng trật đâu hết: “Hôm qua anh đến nhà em, ra về mới nhớ bỏ quên năm ngàn…”, nghe cũng da diết đứt ruột lắm chớ, gớm!
Tháng Ba mùa nước rặt, hợp tác xã cho người đi nạo vét mương đón dòng nước mới chuẩn bị cho vụ Hè Thu. Bọn tui lại háo hức đứa cầm dẹp, đứa xách đơm, thằng mang rổ sảo ra hì hục bắt cá. Dò dẫm cả buổi, đứa nào đứa nấy mặt mũi lem luốc bùn đất, da dẻ phơi nắng mốc thếch, mốc thúi cả ra. Thằng nào chụp được con cá lóc to chừng cổ tay là mừng hết lớn, quăng cả đơm, cả dẹp, nhảy cà tưng lên la làng, hí hửng ù té chạy thẳng một lèo về nhà khoe thành tích ngay: “Má ơi má! Con mới chụp được con cá cững nè, chút nữa má nấu canh chua ăn nghen”. Rồi lại tất tả đội nắng chạy ra mương tiếp.
Tháng Mười mưa dầm mưa dề, mưa liên tù tì mười bữa, nửa tháng. Nước mương dâng lên phả sét cả hai bờ, là mùa cá chép đẻ. Tui với anh Ðiệp tròng áo mưa, đội cái nón cời rách tơi tả lọ mọ vác vó ra thả. Nước mưa thấm vào da thịt lạnh run cầm cập mà thích, sướng nhứt là lúc giở vó lên dính được mấy con rô đồng, to bằng ba ngón tay, giãy tanh tách trong lưới. Chẹp chẹp, mấy con rô nầy đem về cứ bỏ lên than củi mà nướng cho vàng ruộm, rồi dằm vô chén nước mắm giã mớ ớt bay, ăn với bột nhứt phấy, không thì cơm nóng mùa mưa như này thì chỉ có nước cạo sồn sột nồi cơm cũng chưa đã thèm cái miệng.
Rồi bọn tui lại đảo quanh xóm, thấy nhà nào có cây chuối chát bị bão hất đổ tróc gốc nằm lăn kềnh liền xúm lại, lấy rựa trảy hết tàu lá thiệt gọn, tề đầu tề đít cho mấy khúc dài bằng nhau. Kiếm cây trúc gọt nhọn đầu rồi đóng xiên qua một lượt bốn, năm cây chuối cho chắc. Cả bọn hò công kênh cái bè chuối thả xuống mương rồi lôi hết cả đám lên ngồi. Cái bè chuối tròng trành mang đám con nít lững thững trôi từ cầu Tá xuống tận lùm tre ông Tạo. Quãng đường ngắn ngủi cỡ mười phút đi bộ ấy là cả một chuyến phiêu lưu kỳ thú trên sóng nước của mấy đứa trẻ con. Mình mẩy đứa nào đứa nấy ướt sũng, lạnh tím tái da thịt. Về tới nhà đã thấy ba cầm cái roi mây chờ sẵn trước ngõ:
- Lạnh teo dái chưa con? Mầy dô thay đồ rầu nằm lên giường tao biểu. Con dứ cái, thứ cứng đầu.
Lại nhớ những ngày tháng Chạp giáp Tết, cái bóng mây đen nặng trĩu nặng trịt toàn nước là nước của mấy ngày mưa dầm cũng đã lùi xa. Bầu trời lại cao hơn, xanh hơn và trong hơn. Nắng ấm chan hòa trên những cành mai mơn mởn rung rinh trước gió. Hàng rào dâm bụt nhà ai cũng bắt đầu hé nụ lập loè đỏ hoe hoét. Nhà nhà trong cái xóm nhỏ lại cập rập ôm mền, ôm chiếu ra bến nước giặt giũ cho tươm tất đón Tết. Mấy cái áo ấm, áo lạnh vá chằng vá đụp của bọn tui qua một mùa mưa gió đã mốc meo, hôi hám cả, má đem ra mương dậm, vò thiệt kỹ, vắt thiệt ráo, phơi trên hàng rào chè cho thơm tho mùi nắng, rồi cất vô tủ, năm sau lại lấy ra mặc.
Dòng nước mương vẫn lặng lẽ trôi, có lúc êm ả, có khi dữ dội, ngày này qua tháng nọ, năm này qua năm khác, trầm mặc chứng kiến đám trẻ con bọn tui lớn lên với bao nhiêu trò tinh nghịch, quậy phá tưng bừng. Những tưởng dòng nước như dòng thời gian, như dòng sữa mẹ tươi mát nhẹ nhàng ôm ấp ký ức ngọt ngào của tụi tui vào lòng. Dòng nước cứ thế, trôi miệt mài, gột rửa cả một tuổi thơ lấm lem bùn đất, dang nắng khét lẹt của bọn con nít Xóm Ðậu.
Bỗng đâu đùng một cái, Nhà nước cho xây công trình thủy lợi kênh mương Văn Phong. Họ làm cái mương dẫn thủy khác quy mô hơn, hoành tráng hơn, đổ bê tông hẳn hoi luôn. Con mương già bao năm qua chảy qua Xóm Ðậu thành cái ao tù nước đọng. Ðến nỗi thằng Hùng, con anh Hiệu, mới ba tuổi, chiều chiều hay được ba nó chở đi dạo mát đã biết nói: “Ba đi ngõ trên nè, đững đi qua cầu Tá, thúi lắm”.
Bây giờ thì đố ai dám thọc chân xuống mương nữa. Bà con làm đồng về có dơ dáy, sình lầy cỡ nào cũng ráng tới nhà xách gàu nước giếng rửa cho chắc, có cho tiền cũng hổng dám xuống mương rửa, gớm thấy mồ. Trâu bò cũng hết chỗ tắm táp, đành nằm góc chuồng phe phẩy đuôi cho đỡ nóng mấy bữa oi bức.
Họp tiếp xúc cử tri, dân ý kiến lên trên. Cán bộ giải thích không đắp đập ngăn dòng để dự trữ thì làm sao đảm bảo đủ nước, đủ nôi để bà con tưới tiêu làm ruộng. Mà cũng tại ý thức của bà con hổng cao chút nào, rác thải sinh hoạt, xác động vật chết sao không tập trung lại một chỗ rồi tiêu hủy, lại cứ lén lút xách liệng xuống mương, biểu nó không ô nhiễm sao được. Nghe cũng có lý…
Chiều nay, tui lại ra đứng đầu hè, chong mắt đăm đăm ra hướng cầu Tá, chỉ còn một màu nâu sẫm trĩu trịt vắt ngang qua ngọn tre già đã xao xác lá. Tiếng bìm bịp rớt xuống từng giọt nỉ non sao mà thê thiết, gợi nhớ một thứ gì đó như ngay trước mắt thôi mà sao xa xôi lắm…