Đừng hoang tưởng!
Đó là một trong những điều có thể rút ra sau khi đọc những chia sẻ của ông Đinh Văn Phước - nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Tsubaki Yamakyu Chain của Nhật - trong một bài báo đăng trên báo Tuổi trẻ số ra ngày 26.10 mới đây.
Bài báo cho biết, đến Nhật với học bổng của Bộ Giáo dục Nhật từ năm 1961 khi đang là sinh viên Đại học Khoa học Sài Gòn, ông Đinh Văn Phước vào Công ty Yamakyu Chain năm 1966 với vai trò kỹ sư tập sự, làm cho công ty này suốt 50 năm, về hưu với vai trò Tổng giám đốc Tập đoàn Tsubaki Yamakyu Chain của Nhật. Ông có nhiều bằng sáng chế Nhật Bản và quốc tế dưới tên Fukukazu Kato, giúp tái cấu trúc Yamakyu Chain thành công ty hàng đầu chế tạo xích băng tải phục vụ dây chuyền công nghệ thực phẩm, cung cấp toàn Nhật Bản, châu Âu, Mỹ...
Trong chia sẻ những trải nghiệm của mình về những phương cách làm việc để thành công cho một nền kinh tế còn hạn chế như Việt Nam (VN), ông Phước nói: “Trong thời đại của ôtô điện, Internet, trí tuệ nhân tạo, kinh tế chia sẻ... dù có làm được mấy con ốc đúng tiêu chuẩn cũng không thể đưa VN lên hàng có sức cạnh tranh với thế giới. Đáng thảo luận hơn là phải có tầm nhìn để đầu tư vào một trọng điểm, tham gia “chuỗi cung ứng” trên toàn cầu. Nếu sản xuất con ốc, phải là loại chỉ riêng nhà máy mình chế tạo được, mới đủ sức cạnh tranh theo đúng luật chơi, tiêu chuẩn quốc tế”.
Đem sự chia sẻ nêu trên trong bài báo, đối chiếu với thực trạng nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật cũng như tình hình sản xuất công nghiệp của VN trong những năm qua, chúng ta thấy rõ hơn sự bất cập, yếu kém trong các lĩnh vực này không hề là sự ngẫu nhiên. Thực tế cho thấy hàng năm Nhà nước vẫn dành một khoản ngân sách không nhỏ cho công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, cấp kinh phí cho hàng ngàn công trình, đề tài nghiên cứu, ứng dụng trên nhiều lĩnh vực. Kết quả là cũng có hàng loạt đề tài nghiên cứu được nghiệm thu đánh giá đạt yêu cầu, có giá trị…
Tuy nhiên, số công trình hữu ích cho thực tế đời sống được ứng dụng trong thực tiễn và phát huy hiệu quả bằng các sản phẩm, giá trị cụ thể thì hết sức hạn chế. Điều nghịch lý là trong khi nhiều công trình của các nhà khoa học “thứ thiệt” được nghiệm thu và cất vào hộc tủ thì lại có không ít công trình, giải pháp kỹ thuật của các nhà “phát minh chân đất” lại có tính ứng dụng cao, phát huy hiệu quả rất lớn trong đời sống.
Có lẽ ông Đinh Văn Phước cũng theo sát tình hình thực tế, nắm bắt khá rõ sự hạn chế, bất cập trong lĩnh vực này ở VN, nên đã không ngần ngại nhấn mạnh: “Trong điều kiện VN, tôi không hoang tưởng về các sáng tạo mở cửa cho một “chân trời mới”. Tôi đề nghị nên tập trung vào sáng kiến trong lĩnh vực chế tạo, kết hợp một số tính năng có sẵn để sinh ra tính năng mới trong điều kiện ứng dụng mới”. Thông điệp “đừng hoang tưởng” này là điều đáng để chúng ta chiêm nghiệm và rút ra bài học hữu ích cho mình và cho sự phát triển đất nước trong thời đại hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trên toàn thế giới.
HẢI ÐĂNG