Để lưu giữ một thời
Xuất phát từ thực tiễn các công cụ sản xuất thủ công, đồ dùng sinh hoạt của cha ông đang bị mai một dần, thậm chí một số gần như đã biến mất, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh vừa thực hiện đề tài sưu tầm các hiện vật văn hóa sản xuất của người Kinh để lưu giữ, trưng bày.
Cối xay bột bằng đá là một trong những hiện vật được sưu tầm.
Dân tộc Kinh sống trên địa bàn tỉnh Bình Định có bề dày văn hóa ít nhất cũng hơn 500 năm (từ năm 1471 đã có những dân di cư vào đây sinh sống, lập nghiệp). Bên cạnh kinh nghiệm sản xuất, cha ông ta còn mang theo các sản phẩm văn hóa đã hình thành từ quê hương bản quán xứ đàng Ngoài. Đến môi trường sống mới, để thích ứng với tự nhiên và sản xuất, họ sáng tạo thêm những giá trị văn hóa mới, cũng như giao thoa văn hóa với cư dân bản địa để dần định hình phong cách văn hóa mang tính đặc trưng địa phương. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo lưu những giá trị văn hóa của họ, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã xây dựng đề tài sưu tầm hiện vật văn hóa của người Kinh trên đất Bình Định.
Tháng 5.2013, tổ công tác của Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đã tiến hành khảo sát bước đầu trên cả hai phương diện là văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của người Kinh ở huyện Tuy Phước, Phù Mỹ và thị xã An Nhơn. Đúng như nhận định ban đầu, kết quả khảo sát cho thấy, các công cụ sản xuất thủ công cũ của cha ông bị mai một dần, thậm chí một số gần như đã biến mất cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, kinh tế thị trường, sản xuất bằng máy móc đang thay thế dần lao động thủ công. Ví như chiếc cày làm bằng cây (gỗ) khoảng 10 năm trở về trước còn khá phổ biến, thì nay rất hiếm, có còn thì cũng được cho “nghỉ hưu” lâu dài trên gác chuồng bò nên bị mối mọt phá gần như đã hỏng, không còn dùng được nữa.
Khi đưa bản thống kê danh sách các hiện vật nhờ cán bộ địa phương hỗ trợ quá trình khảo sát, chúng tôi thường nhận được câu trả lời những thứ này giờ không còn nữa. Trên cơ sở nhận định của các trưởng thôn về những gia đình có thể còn lưu giữ các công cụ sản xuất thủ công, đồ dùng sinh hoạt thủ công, chúng tôi đã sưu tầm được khá nhiều, với trên 150 hiện vật văn hóa vật chất và tinh thần của người Kinh.
Những công cụ, phương tiện thủ công là một minh chứng không thể thiếu trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển cộng đồng người Kinh tại Bình Định; đồng thời phản ánh những bước tiến, sáng tạo của con người trong quá trình cải tạo tự nhiên và nâng cao năng suất lao động. Những giá trị văn hóa này của cha ông cần được lưu giữ cho thế hệ trẻ mai sau. Đó là những vấn đề cấp thiết để Bảo tàng Tổng hợp tỉnh thực hiện đề tài này.
Về dụng cụ sinh hoạt đã sưu tầm được nhiều loại bằng đồng, như: nồi, mâm, thau, chảo đồng, bầu đựng mắm, hộp đựng trầu, bát đựng nước, khay đựng trầu và rượu, đèn dầu nhỏ, bình cắm hoa, bàn ủi than, ống ngoáy trầu; dụng cụ bằng gỗ thì có rương, bàn xoay, giường lè, bình ông tiên, phản ngựa, mâm gỗ… Dụng cụ lao động sản xuất cũng đã sưu tầm được cối xay bột bằng đá, gàu tát nước, giạ đong lúa, bầu đựng cốm, cối giã gạo, bàn tuốt lúa thủ công, bồ đựng lúa, giỏ xúc cá, cào cỏ, trang gỗ cào lúa, bộ đồ khuôn làm cốm, quạt lúa trục quay bằng gỗ, quạt lúa bằng giấy, cày gỗ, các loại đồ thờ cúng… cùng một số loại trang phục truyền thống.
Dù chưa thật sự đầy đủ, nhưng đây là kết quả bước đầu đáng khích lệ để đề tài sưu tầm các hiện vật văn hóa sản xuất của người Kinh được triển khai dài hơi hơn trong những năm tiếp theo. Hy vọng, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh sẽ còn thu hoạch được nhiều hiện vật văn hóa người Kinh trên đất Bình Định, để trưng bày giới thiệu cho khách tham quan, thời gian tới.
BẢO ĐỊNH
(Bảo tàng Tổng hợp tỉnh)
Đôi Xiểng trong bài báo ở nhà bà nội và mẹ mình thường gọi là "cặp Nừng", ngày xưa mẹ đi chợ mua hàng về bán cũng thường "quảy cặp Nừng" này lắm, cối đá ở nhà giờ không dùng nữa nhưng rất đỗi thân quen, nhớ sao là nhớ...