Đề án Bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định: Cụ thể hóa nhiều bước đi quan trọng
UBND tỉnh vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở quan trọng để bảo tồn võ cổ truyền Bình Định hiệu quả, tích cực trên nhiều phương diện.
Những năm qua, đặc biệt là sau khi được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia (cuối năm 2012), võ cổ truyền Bình Định đã tạo được nhiều dấu ấn đáng kể.
Di sản khởi sắc
Thực hiện công tác bảo tồn, Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thành công chương trình tập huấn nội dung giảng dạy võ cổ truyền cho gần 950 giáo viên tại các trường trên địa bàn tỉnh. Đây là bước đi đầu tiên trong việc thực hiện chủ trương đưa võ cổ truyền vào trường học; hứa hẹn trong thời gian đến, phong trào tập luyện võ cổ truyền Bình Định sẽ được phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh cũng như trong cả nước.
Việc tổ chức chương trình Đêm võ đài xứ Nẫu định kỳ hàng tuần giúp võ sinh các võ đường có cơ hội cọ xát, nâng cao trình độ, đồng thời trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng phục vụ du khách.
Công tác phát triển các lớp phong trào võ cổ truyền được chú trọng, đặc biệt tại nhiều trường học ở Quy Nhơn và tại Sân vận động Quy Nhơn, thu hút đông đảo thanh thiếu nhi đến tập luyện thường xuyên. Việc nỗ lực duy trì và phát triển các lớp võ này góp phần rất lớn trong công tác quảng bá võ cổ truyền đến với đông đảo quần chúng nhân dân.
Ở lĩnh vực thể thao thành tích cao, đội tuyển võ cổ truyền Bình Định tiếp tục giữ vững vị thế tại các giải đấu quốc gia. Đặc biệt tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014, đội tuyển đã giành tới 4 HCV, 5HCB, 4HCĐ trong tổng số 4 HCV, 6HCB, 11 HCĐ của thể thao Bình Định.
Nhiều hoạt động, giải đấu võ cổ truyền cấp tỉnh và quốc gia diễn ra thường xuyên, thu hút hàng ngàn người đến xem và cổ vũ như: Giải Cúp vô địch Võ cổ truyền toàn quốc năm 2014, 2015; Giải Võ cổ truyền miền Trung - Tây Nguyên năm 2015 và đặc biệt 2 lần đăng cai tổ chức thành công Vòng Chung kết Giải Võ cổ truyền các VĐV xuất sắc toàn quốc tranh đai Vô địch Let’s Viet 2014, 2015… Những hoạt động trên đã góp phần phát triển mạnh mẽ trong công tác quảng bá võ cổ truyền đến với người dân trong tỉnh, trong nước cũng như quốc tế.
Tại nhiều sự kiện lớn của tỉnh như: Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam, chương trình Dạ hội mừng Đảng - mừng Xuân đón Giao thừa thường niên, kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Định và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, Chương trình Khát vọng trẻ… nhiều tiết mục đặc sắc do võ sinh Bình Định biểu diễn đã góp phần tạo nên thành công của sự kiện và quảng bá rộng rãi võ cổ truyền đến với đông đảo công chúng.
Định hướng chiến lược để phát triển toàn diện
Đề án Bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 vạch ra nhiều mục tiêu cụ thể để làm nổi bật thêm vai trò của võ cổ truyền đối với nhiều lĩnh vực liên quan. Ở lĩnh vực thể thao thành tích cao, tập trung công tác tuyển chọn, đào tạo, quản lý giáo dục, huấn luyện và thi đấu đạt thành tích cao tại các giải sắp đến, đặc biệt, quy hoạch lực lượng kế thừa đảm bảo thành tích đã đặt ra cho kỳ Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018.
Đề án đặt ra mục tiêu tiếp tục xây dựng và phát triển bộ môn võ cổ truyền Bình Định là một trong những môn thể thao thành tích cao của tỉnh, nhằm góp phần nâng cao vị thế thể thao tỉnh nhà trong nước và quốc tế, đồng thời phát huy mạnh mẽ phong trào tập luyện ở cơ sở để phát hiện tài năng thể thao tạo nền móng vững chắc để đảm bảo tính kế thừa cho đội tuyển trong thời gian tới.
Đồng thời, nâng cao công tác bảo tồn và phát huy di sản độc đáo võ cổ truyền Bình Định nhằm hội đủ các điều kiện, xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Võ cổ truyền Bình Định là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Xây dựng Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định trở thành một trung tâm nghiên cứu, bảo tồn, đào tạo, huấn luyện Võ cổ truyền Bình Định và phục vụ khách tham quan, du lịch. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 03 của UBND tỉnh về việc đưa võ cổ truyền vào trường học, phát triển mạnh mẽ hơn nữa phong trào tập luyện võ cổ truyền trong học sinh, sinh viên tại các trường trên địa bàn tỉnh; từng bước triển khai huấn luyện và ứng dụng võ cổ truyền Bình Định trong lực lượng vũ trang tỉnh.
Tăng cường hoạt động truyền thông, quảng bá, giới thiệu võ cổ truyền Bình Định trong quá trình giao lưu và hội nhập quốc tế nhằm giúp bạn bè trong nước và quốc tế hiểu biết đầy đủ, sâu sắc về tinh hoa võ thuật cổ truyền Bình Định. Qua đó, phát triển phong trào tập luyện võ cổ truyền Bình Định trong cả nước và trên thế giới. Xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù với võ cổ truyền Bình Định nhằm phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy võ cổ truyền, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú sản phẩm du lịch của tỉnh, đưa võ cổ truyền trở thành sản phẩm du lịch mang “thương hiệu” đặc trưng của Bình Định. Hoàn thiện hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng võ cổ truyền Bình Định nhằm phát triển và giữ gìn bản sắc văn hóa bản địa tiêu biểu, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của phong trào luyện tập võ cổ truyền Bình Định toàn tỉnh.
Võ sư Bùi Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định cho biết: “Đề án Bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 là cơ sở quan trọng để võ cổ truyền Bình Định phát triển lên tầm cao mới; đồng thời, công tác bảo tồn được thực hiện hiệu quả, thiết thực hơn”.
LÊ CƯỜNG