Sống với niềm đam mê văn chương
3 tháng một lần phải gác lại công việc và chuyện nhà để vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) điều trị bệnh, cô Ðặng Thị Bích Ngọc - giáo viên Trường THPT Bình Dương (huyện Phù Mỹ) - vẫn không từ bỏ niềm đam mê văn chương.
Năm 2013, cô Ngọc đạt giải B Giải thưởng Văn học - nghệ thuật Đào Tấn - Xuân Diệu lần thứ IV cho đề tài nghiên cứu “Tìm hiểu vè chàng Lía”, viết chung với thạc sĩ Trần Xuân Toàn (giảng viên khoa Ngữ văn, Trường ĐH Quy Nhơn). Cuốn sách là những tìm tòi, nghiên cứu, đi sâu vào những giá trị làm nên nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của vè chàng Lía, và hình tượng chàng Lía - người anh hùng nông dân khí phách, trượng nghĩa…
Mê văn học dân gian, đặc biệt khá quen thuộc với những câu ca “Chiều chiều én liệng Truông Mây/ Cảm thương chú Lía bị vây trong thành”, hay “Ai về Bình Định mà nghe/ Nói thơ chàng Lía, hát vè Quảng Nam”, cô Ngọc bắt tay vào tìm hiểu, nghiên cứu. “Khi biết đề tài của tôi và thầy Trần Xuân Toàn đạt giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu, tôi đã vỡ òa trong hạnh phúc. Đây là món quà tinh thần rất lớn, là động lực để tôi tiếp tục cố gắng cho những tìm tòi, nghiên cứu sau này”, cô Ngọc chia sẻ.
Không vỡ òa hạnh phúc sao được khi đầu năm 2012, cô Ngọc phải trải qua những khó khăn, chống chọi với căn bệnh xuất huyết não. Sáu tháng dài trong cơn ác mộng, tình yêu thương của gia đình, đồng nghiệp đã giúp Tổ trưởng tổ khoa học xã hội của Trường THPT Bình Dương chiến thắng bệnh tật, quay trở lại với trường lớp, với học sinh và với niềm đam mê văn chương của mình. Giải thưởng như một món quà tặng cho người có ý chí, nghị lực để chiến thắng bản thân.
Từ ngày biết mình mắc bệnh, cô Ngọc viết nhiều hơn. Những truyện ngắn được cô đầu tư chăm chút, để đọc và suy ngẫm. Hiện tại, cô Ngọc đang hoàn thiện một số đề tài nghiên cứu, như: Tìm hiểu tính triết lý trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu, Tìm hiểu tính triết lý trong văn xuôi sau năm 1975, cùng một số đề tài khác. Cô Ngọc tâm sự: “Những lần điều trị từ bệnh viện trở về, tôi lại lao vào công việc giảng dạy và viết lách. Và, tôi như quên hết, quên đau, quên tất cả mọi thứ để sống với đam mê văn chương”.
Bên cạnh những hoạt động nghiên cứu văn chương, cô Ngọc còn là một tổ trưởng bộ môn có nhiều sáng kiến góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, như sáng kiến “bổ trợ kiến thức cho học sinh yếu” đã được áp dụng trong toàn trường. Cô Ngọc là giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở trong nhiều năm liền, được Công đoàn ngành Giáo dục và LĐLĐ tỉnh công nhận danh hiệu “giỏi việc trường, đảm việc nhà”, nhiều năm liền được nhận Bằng khen của UBND tỉnh.
LỘC - TRỌN