Vi phạm làn đường: Hiểm nguy rình rập
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, CA tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 331 vụ TNGT, trong đó có đến 100 vụ do đi sai làn đường (chiếm trên 30%). Ðiều đáng lo ngại là các vụ TNGT do vi phạm làn đường lặp đi lặp lại ở từng tháng, từng quý và có xu hướng tăng.
Một số thanh niên, sinh viên đi ngược chiều trên đường An Dương Vương là hình ảnh khá phổ biến. Ảnh: TIỂU LỤC
Đơn cử như vụ TNGT xảy ra vào khoảng 18 giờ 35 phút ngày 24.10, tại tổ 20, KV3, phường Thị Nại, TP Quy Nhơn, giữa ô tô tải do anh Nguyễn Quốc Việt (SN 1992, ở Cát Tân, Phù Cát), điều khiển từ ngã 5 Đống Đa đến Cảng Quy Nhơn với mô tô do Nguyễn Ngọc Trung (SN 1990, ở Phước Hiệp, Tuy Phước) điều khiển hướng ngược lại. Hậu quả của vụ TNGT làm anh Trung bị thương, mà nguyên nhân chính là do anh Trung đi không đúng phần đường của mình.
Thực tế hiện nay, tại một số tuyến đường như quốc lộ, tỉnh lộ và ở nội thị, nhiều người điều khiển ô tô, xe máy đi ngược chiều, sai làn đường, phần đường, bất chấp hiểm nguy và luật lệ. Mặc dù quốc lộ và một số tuyến đường ở nội thị đã có dải phân cách cứng để phân làn cho các phương tiện tham gia giao thông, cùng những biển báo cấm đi ngược chiều, nhưng nhiều người vẫn vô tư vi phạm vì… thấy tiện.
Ở TP Quy Nhơn, một số tuyến đường có phân làn như An Dương Vương, Nguyễn Tất Thành, Tây Sơn… có lượng người và xe lưu thông khá lớn vào các giờ cao điểm, hay xuất hiện tình trạng đi ngược chiều. Hình ảnh dễ bắt gặp nhất là, thời điểm sắp vào lớp hay tan trường, trên đường An Dương Vương, xuất hiện những học viên, sinh viên đi ngược chiều, thậm chí đi hàng hai, hàng ba, khiến nhiều người thấy thiếu an toàn khi lái xe.
Bà Trần Thị Nga, một người dân nhà trên mặt tiền QL1A, đoạn qua địa phận xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, thừa nhận: “Nhà tôi ở đoạn giữa của dải phân cách quốc lộ, muốn đi qua bên kia đường thì phải đi vòng khá xa. Nhiều lúc vội và cũng để cho tiện, tôi chạy xe máy đi ngược chiều trong lúc xe qua lại rất đông”. Đây cũng là nguyên nhân khiến TNGT dọc tuyến quốc lộ thời gian gần đây trở nên đáng lo ngại (chiếm trên 48% tổng số vụ TNGT).
Trong khi đó, theo Thông tư 91/2015 của Bộ GTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ, các phương tiện có thể được tăng tốc độ từ 10-20km/h so với quy định cũ. Trong trường hợp nếu có xe máy đi ngược chiều hoặc lấn làn đường đột ngột, dù tài xế ô tô có phản xạ nhanh đến đâu cũng khó mà xử lý kịp. Anh Nguyễn Văn Hạnh (ở phường Thị Nại, TP Quy Nhơn), một tài xế xe tải, cho biết: “Mỗi lần đi trên quốc lộ, nhất là đoạn từ An Nhơn tới Phù Mỹ, tôi thường cảm thấy bất an. Mặc dù đường đã có dải phân cách nhưng thường xuyên xuất hiện người đi xe máy, xe đạp lưu thông ngược chiều, dễ xảy ra tai nạn. Bản thân tôi đã ít nhất 2 lần suýt gây tai nạn cũng bởi từ bên kia dải phân cách bất ngờ có xe máy lao ra”.
Trung tá Ngô Đức Hoài, Phó Trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CA tỉnh, nhận định: “Tình trạng người dân điều khiển xe máy lấn làn, giành đường vẫn khá phổ biến, đặc biệt là ở các tuyến đường có mật độ phương tiện lưu thông cao như quốc lộ và nội thị… Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của người tham gia giao thông chưa cao. Việc đi sai làn đường, phần đường rất nguy hiểm và tiềm ẩn nguy cơ TNGT, do đó Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, cũng thường xuyên tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, nhấn mạnh những quy định về xử phạt đối với lỗi đi ngược chiều, lấn đường, đi sai làn đường để người dân tự giác chấp hành. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, mỗi người tham gia giao thông cần nâng cao ý thức chấp hành quy tắc sử dụng làn đường, không nên vì một thói quen, một chút vội vàng mà có thể chuốc lấy những tai họa khôn lường cho bản thân hoặc những người xung quanh”.
K.ANH