Bảo tồn văn hóa truyền thống ở làng K8, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh: Lớp lớn trao truyền, lớp trẻ đón nhận
Làng K8 thuộc xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, là địa phương có phong trào văn hóa, văn nghệ mạnh. Đặc biệt, việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống được nhiều người dân nơi đây lưu tâm. K8 có nhiều nghệ nhân, hạt nhân văn hóa tâm huyết, đang lặng lẽ trao truyền vốn văn hóa của tộc người mình cho lớp trẻ.
1.
Nhà rông làng K8 một chiều tháng 9 se lạnh. Lão nghệ nhân Đinh Chương (tức bok Y Khiêm) và con gái Đinh Thị Hlat tập trung vài đứa trẻ trong làng đến để dạy múa, hát và chơi nhạc cụ của người Bana. Nhìn 4 đứa trẻ hào hứng làm theo những động tác múa uyển chuyển mà Hlat hướng dẫn, rồi xúm xít quanh cây đàn tơ-rưng chăm chú xem Hlat đàn mẫu, bok Y Khiêm lại gật gù, nở nụ cười hài lòng.
Hlat (trái) trìu mến nói với bọn trẻ làng mình: “Chị dạy các em chơi tơ-rưng nhé!”.
Hiện nay, làng K8 có 6 cụm dân cư, tại mỗi cụm có hai đội văn nghệ, một của người cao tuổi và một của cánh thanh niên. Theo bok Y Khiêm, chuyện lũ trẻ của làng cùng nhau học múa, hát, đánh cồng chiêng, chơi nhạc cụ… đã thành nếp làng từ nhiều năm nay.
“Mới đầu, mình phải chủ động gọi chúng đến, biểu diễn khiến chúng tò mò, hứng thú, rồi dần dần bảo ban chúng về việc tiếp quản, gìn giữ, phát huy vốn văn hóa Bana lưu truyền bao đời. Mình nói với chúng, rồi các bok, các bá sẽ già, đi theo Giàng. Làng K8 chúng ta lại phải có những người mới biết hát, múa dân ca, đánh cồng chiêng và chơi các loại nhạc cụ, chứ chẳng lẽ để mai một sao? Bọn trẻ cũng ngoan, biết thương làng, cùng với sự tận tâm của người lớn, vốn quý Bana ở làng được gìn giữ hiệu quả” - bok Y Khiêm cho hay.
Còn Đinh Thị Voan, bé gái được khen là múa đẹp nhất làng K8, phấn chấn: “Em vui vì đã học được nhiều bài múa dân gian của người Bana. Cô Hlat và bọn em đã hẹn nhau, cứ Chủ nhật nghỉ học, tụi em lại đến cô để học múa. Giá Vin, cô Hlat, cô Nhâm còn rất nhiều bài múa đẹp, lần lần sẽ chỉ bày cho tụi em”.
2.
Lợi thế lớn của làng K8 là có được nhiều nghệ nhân văn hóa. Họ không chỉ nhiệt tình với phong trào văn hóa ở địa phương, mà còn có ý thức cao trong bảo tồn văn hóa truyền thống. Trong đó, “nhạc trưởng” là nghệ nhân Đinh Chương cùng vợ - Đinh Thị Trik (giá Vin). Các con của ông: Đinh Khuynh, Đinh Anớp, Đinh Thị Hlat cũng là những hạt nhân văn hóa, có nhiều đóng góp cho phong trào văn hóa xã và huyện.
Ngoài gia đình văn nghệ chủ lực này, K8 còn nhiều nghệ nhân, hạt nhân văn hóa giỏi và tâm huyết khác. Ai cũng có thế mạnh riêng, giúp cho việc giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống ở K8 có cơ sở để bảo tồn đa dạng, phong phú các loại hình. Biểu diễn cồng chiêng, lớp lớn có bok Quân, bok Khôi, bok Phiêng; nối tiếp họ, lớp người mới giỏi cồng chiêng ở K8 là bá Vơ, bá Vin, bá Hoài, bá Thưa. Ở môn hát dân ca, vợ chồng nghệ nhân Y Khiêm - giá Vin chính là những người kể moan, hát dân ca giỏi và hay nhất. Từ sự truyền dạy của họ, lớp trẻ có Đinh Huých, Đinh Mớch, đặc biệt là “họa mi núi rừng” Đinh Thị Hlat… - là những hạt nhân dân ca nổi trội của làng.
Trong khi đó, múa dân gian là thế mạnh của vợ chồng Đinh Mớch - Đinh Thị Nhâm, Đinh Thị Hliêu, Đinh Thị Vét…; lớp trẻ hơn có Đinh Thị Măn, Đinh Thị Von, Đinh Thị Thưa, Đinh Thị Trang, Đinh Văn Luận, Đinh Văn Mục, Đinh Quân, Đinh Quốc Đông… đang học cấp 1, cấp 2. Những hạt nhân múa khá đông đảo và nối tiếp liền mạch giữa các thế hệ này là kết quả truyền nghề của vợ chồng giá Vin. Đó là chưa kể vợ chồng Mớch - Nhâm hay Hlat đã có thể thay thế bok Y Khiêm và giá Vin ở vai trò biên đạo, dàn dựng các tiết mục múa dân gian.
3.
Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Vĩnh Thạnh Đinh Y Oai, làng K8 và M2 (xã Vĩnh Thịnh) là hai địa phương có phong trào văn hóa mạnh bậc nhất của huyện. Cùng với đó, ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống của người dân ở đây cao; việc thực hiện đạt hiệu quả cao, có chiều sâu.
Ông Y Oai ghi nhận: “K8 lợi thế vì có nhiều nghệ nhân xuất sắc. Tuy nhiên, quan trọng hơn là những nghệ nhân ấy biết cách khơi dậy tình yêu văn hóa truyền thống ở người trẻ; đồng thời, tận tâm truyền dạy lại cho họ. K8 thành lập được nhiều đội, nhóm văn nghệ nhỏ theo từng khu dân cư hoặc tổ chức đoàn thể, duy trì hàng năm ngày hội cồng chiêng của làng và tham gia tích cực vào Ngày hội Văn hóa - Thể thao cấp xã (2 năm/lần). Nhờ đó, phong trào văn hóa, văn nghệ ở K8 luôn sôi nổi. Ngành Văn hóa huyện đánh giá cao ý thức, nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống của làng K8, cũng như cách gầy dựng phong trào văn hóa, văn nghệ rất hiệu quả ở địa phương này”.
Già làng Y Khiêm chia sẻ, trong xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương, K8 nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành: Lãnh đạo xã thường xuyên đến thăm các bok, giá và hạt nhân văn nghệ trẻ trong làng để động viên, khuyến khích mọi người dành thời gian, tâm huyết truyền đạt cho bà con, đặc biệt là thanh niên; Tỉnh ủy tặng làng một bộ cồng chiêng, như thông điệp khích lệ bảo tồn văn hóa truyền thống; Phòng Văn hóa - Thông tin và Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện thường xuyên định hướng hoạt động, hỗ trợ âm thanh, ánh sáng mỗi lần làng tổ chức văn nghệ. Hiểu tầm quan trọng của bảo tồn văn hóa truyền thống và để không lãng phí sự đầu tư, quan tâm đó, bản thân già làng và gia đình gương mẫu, tích cực đóng góp và nhắc nhở dân làng nỗ lực giữ văn hóa!
ĐINH THỊ THƯƠN - SAO LY