Thuyền trưởng trẻ làm rạng danh người Bình Định
Trong đội ngũ thuyền trưởng khối tàu vận tải thuộc Vùng 2 Hải quân, có một sĩ quan trẻ người xã Cát Hải, huyện Phù Cát, được đề nghị tuyên dương là “Thuyền trưởng xuất sắc nhất Quân chủng Hải quân năm 2016”. Đó là đại úy Nguyễn Tấn Hạnh, thuyền trưởng tàu 624, Hải đội 812, Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân.
Tốt nghiệp Học viện Hải quân Nha Trang, đại úy Hạnh khi đó được điều về Vùng 2 Hải quân công tác. Khó có thể kể hết những gian khó, trở ngại trong những ngày đầu tiên cầm vô lăng tàu biển vượt đại dương của chàng trai 22 tuổi, song chính những tháng ngày ấy đã tôi luyện cho Hạnh bản lĩnh chính trị vững vàng, tác phong chiến đấu và năng lực chỉ huy của người thuyền trưởng.
Trải qua nhiều cương vị khác nhau, dù là thuyền phó, trưởng ngành Hàng hải hay thuyền trưởng tàu vận tải, đại úy Hạnh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Hơn 10 năm lăn lộn với biển đảo, cầm vô lăng vượt trên 30.000 hải lý, đến nhiều vùng biển, đảo Trường Sa, DK1 an toàn, đại úy Hạnh chứng kiến nhiều tình huống gian khổ trên biển. Song có lẽ, lần chuyển bệnh nhân từ nhà giàn DK1/2 xuống tàu đi Trường Sa cấp cứu trong điều kiện sóng to gió lớn thì không thể nào quên. Anh Hạnh kể lại, chừng này năm ngoái, khi đó, anh giữ chức Thuyền phó quân sự tàu 953. Nhận được lệnh chuyển một chiến sĩ đau tụy cấp ở nhà giàn đi cấp cứu, anh đã chỉ huy tổ xuồng cơ động vào chân đế nhà giàn trong điều kiện sóng to cấp 7, trời chập choạng tối. Để đưa bệnh nhân xuống xuồng an toàn, anh đã hiệp đồng với nhà giàn DK1/2 bó chặt toàn thân bệnh nhân vào cáng, cột dây rồi đưa thả cáng xuống biển từ độ cao 13 m. Khi cáng vừa chạm xuồng, bỗng một con sóng lừng đẩy cáng bệnh nhân ra xa. Nhanh như cắt, anh chộp đầu dây, rướn mình kéo lại. Cú kéo đỡ ấy giúp cáng không rơi xuống biển nhưng vai trái của anh bị giãn dây chằng. Sau đó, anh tiếp tục chỉ huy tổ xuồng đưa người bệnh lên tàu an toàn.
“Cầm vô lăng tàu là vào vị trí chiến đấu. Giữa biển xa sóng gió bất thường, việc bảo đảm cho con tàu đi mỗi hải lý an toàn luôn là yếu tố đặt lên hàng đầu. Ở biển, mọi tình huống xấu nhất đều có thể xảy ra. Bởi vậy, ngoài nắm chắc nhiệm vụ, người thuyền trưởng phải có bản lĩnh vững vàng, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” - đại úy Hạnh chia sẻ.
Một ngày làm việc của thuyền trưởng Hạnh bắt đầu từ triển khai giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ cấp dưới; tổ chức huấn luyện sẵn sàng chiến đấu theo kế hoạch; giao ban tàu, sinh hoạt tổ ba người, rèn luyện sức khỏe bộ đội… “Guồng quay” ấy khiến anh luôn bận rộn, song đó là “quy trình rèn luyện” của thuyền trưởng. Bởi anh hiểu, để bảo vệ biển đảo yên bình, ngoài sức khỏe dẻo dai, cán bộ, chiến sĩ phải có trình độ chiến đấu tinh nhuệ và bản lĩnh kiên cường chịu đựng sóng gió, luôn sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.
Với tinh thần tận tụy, trách nhiệm cao ấy, đại úy Nguyễn Tấn Hạnh được Bộ Tư lệnh Vùng 2 tặng Bằng khen trong thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn, cản phá, xua đuổi tàu nước ngoài vi phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam; Giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chở đoàn công tác 5 chuyến an toàn; được Đảng ủy Lữ đoàn 125 đề nghị tặng danh hiệu “Thuyền trưởng xuất sắc nhất Quân chủng Hải quân năm 2016”.
MAI THẮNG