Nên duyên từ đôi nhẫn nhôm
Không một nụ hồng, chẳng phút giây lãng mạn, 2 con người chẳng vẹn thân thể đã tìm đến với nhau từ đôi nhẫn nhôm có giá… 1.000 đồng. Vậy mà, cuộc duyên tình đã vẹn tròn với 2 mầm xanh đang lớn lên trong ngôi nhà nghèo mà ắp tiếng cười.
Chúng tôi đến thăm nhà anh A Nức - chị M Lơi tại làng phong Quy Hòa vào một buổi trưa mưa tầm tã, khi mưa lũ đang ầm ào khắp nơi. Phía sau bậu cửa, 4 người trong gia đình đang ăn trưa, một nồi cơm và chén mắm dằm cà nướng. 2 đứa nhỏ lóng ngóng, cơm rơi vãi ra cả ngoài mâm cơm. Chị la con, rồi đưa tay nhặt lại từng hạt. Ít ai biết được rằng, để có được hạnh phúc của hôm nay, họ đã trải qua những tháng ngày ám ảnh…
Bữa cơm trưa đạm bạc của gia đình A Nức - M Lơi.
Đớn đau
A Nức sinh năm 1970, ở xã Kon Thụp, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Là con trai cả trong nhà nên từ bé A Nức phải vất vả mưu sinh, chẳng được học hành. Năm 15 tuổi, A Nức mắc phải bệnh lạ. Đôi bàn chân ban đầu nổi những đốt trắng, dần dần mất cảm giác, véo không đau, gai đâm không hay biết. Chưa từng thấy ai bị như thế, người nhà A Nức hoảng hốt tìm cây rừng để chữa bệnh. Bệnh không giảm mà càng nặng hơn, đôi chân như nhôm như sắt, chẳng biết đau đớn gì. Lên 16 tuổi, làng có trường học, A Nức đi học, nghe thầy giáo nói mình bị bệnh phong.
“Người làng sợ tôi lây bệnh nên xa lánh. Tôi đi học phải ngồi ở góc lớp, không ai dám ngồi gần, không có bạn bè chơi chung. Ai cũng sợ, chỉ có thầy giáo thương. Tôi học đến lớp 2 thì phải nghỉ vì ai thấy tôi đến gần cũng chạy trốn. Hôm tôi nghỉ học, ai cũng mừng rỡ, chỉ có thầy giáo khóc. Nhưng thầy cũng không giữ tôi ở lại được vì có giải thích thế nào cũng không ai chịu nghe”, A Nức kể lại.
Vậy là A Nức tiếp tục cảnh lủi thủi một mình, các ngón chân bị sưng lên rồi lở loét. Bàn chân phải của anh bị co quắp, đi lại vô cùng khó khăn. Năm
18 tuổi, một hôm, đi chăn bò về nhà, A Nức nhìn xuống chân phải thì thấy đã mất hai ngón út từ lúc nào. Người mẹ chỉ biết đau đớn ôm con khóc. Một năm sau, cha A Nức mời thầy về cúng. Cúng bái đủ đường mà căn bệnh của con trai vẫn không hết, ông muộn phiền đổ bệnh rồi qua đời.
Sau ngày cha mất, A Nức bị dân làng đuổi lên rừng ở vì sợ lây bệnh. Sau những tháng ngày sống chui sống nhủi, A Nức được một cô giáo tốt bụng đưa xuống làng phong Quy Hòa vào một ngày cuối năm 1995. Bị bệnh thời gian dài không chữa trị nên khi đến Bệnh viện Phong- Da liễu Trung ương Quy Hòa, chân phải của A Nức đã bị lở loét, dòi ăn, phải cắt bỏ. Từ đó đến năm 2006, A Nức còn phải chịu thêm 2 lần cắt chân.
“Sỏi đá” tìm nhau
Không chỉ được chữa bệnh, ở làng phong Quy Hòa, A Nức còn tìm được bến đỗ của đời mình. Năm 2005, A Nức gặp M Lơi, nhỏ hơn mình 13 tuổi, cũng ở Mang Yang. Cô gái trẻ người Bana cũng mắc bệnh phong, nhưng được phát hiện sớm nên điều trị chừng 1 tháng thì xuất viện với bàn chân trái thiếu ngón, yếu ớt. Chỉ trong thời gian ngắn ngủi, A Nức chủ động làm quen rồi 2 người thân thiết. Một ngày kia, anh gặp người làm những chiếc nhẫn giả bằng nhôm đi bán dạo ở làng. Anh mua 2 chiếc nhẫn với giá 1.000 đồng, mang đến tặng cho M Lơi 1 chiếc “để sau này gặp lại sẽ nhận ra nhau”.
M Lơi về quê. 3 tháng sau, A Nức không chịu nổi nên đánh liều tìm về thăm “người yêu”. Anh nhờ già làng đến nhà M Lơi, làm mai làm mối. Sau đám cưới ở quê, vợ chồng A Nức xuống lại làng phong Quy Hòa. Họ được làm lễ cưới tại nhà thờ, có cha xứ chứng giám, cùng nhiều người đồng cảnh ngộ đến chia vui.
Nhà thiếu trước hụt sau, nhưng trong bữa cơm nghèo không thịt chẳng cá, nghe như vẫn vọng vang niềm hạnh phúc vô bờ của những phận người tưởng chừng mãi bị lãng quên trong tuyệt vọng
Vợ chồng A Nức sống trong căn nhà tập thể của làng phong Quy Hòa. Chẳng bao lâu M Lơi sinh đứa con trai kháu khỉnh - A Phước. Tiếp đó là con gái M Phương, hạnh phúc nhân đôi nhưng cơ cực cũng bội phần. Mỗi tháng, 2 vợ chồng được nhận khoản tiền hỗ trợ 400 ngàn đồng cho người khuyết tật. Anh được giao cho công việc tưới cây, nhổ cỏ cho vườn hoa của Bệnh viện, tiền công mới được nâng lên 1 triệu đồng/tháng. Trong làng ai thuê gì thì làm nấy, không ai thuê thì lên núi kiếm củi về bán, đắp đổi, vá víu qua ngày, để nuôi tiếp ước mơ cho 2 con ăn học nên người.
Năm nay, M Phương lên 2 tuổi, không có tiền đi trẻ nên cô bé trắng trẻo, tóc xoăn này quẩn quanh ở nhà. A Phước đang học lớp 6 ở Trường THCS Ghềnh Ráng. Mấy hôm nay mưa to, nhà dột không chừa chỗ nào. Nhà thiếu trước hụt sau, nhưng trong bữa cơm nghèo không thịt chẳng cá, nghe như vẫn vọng vang niềm hạnh phúc vô bờ của những phận người tưởng chừng mãi bị lãng quên trong tuyệt vọng…
MAI LÂM