Cần chủ động ứng phó!
Bình Định đã chính thức bước vào mùa mưa lũ bằng một đợt lũ lụt đầu mùa gây thiệt hại không nhỏ cho sản xuất và đời sống của người dân các vùng bị ảnh hưởng. Chỉ vài ngày mưa liên tiếp, nước lũ đã đổ về gây trôi sập cầu, tràn làm đứt giao thông nhiều tuyến đường xã, huyện, tỉnh và cả một số đoạn quốc lộ, cô lập nhiều khu vực dân cư. Nước từ thượng nguồn đổ về còn gây úng ngập cho nhiều vùng ở hạ du với hàng chục ngôi nhà bị trôi sập, hàng trăm nhà khác bị ngập sâu trong nước.
Ngay khi lũ lụt đổ về, chính quyền các cấp và các lực lượng chức năng đã ngay lập tức triển khai các biện pháp ứng cứu như di dời người dân vùng ngập lụt đến nơi an toàn, hỗ trợ các nhu yếu phẩm cần thiết và triển khai các biện pháp khắc phục giao thông… nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở một số nơi tại Quy Nhơn có tình trạng người dân còn hết sức thờ ơ với việc chủ động phòng tránh và ứng phó với lũ lụt. Mặc dù đây là vùng trũng thấp, hằng năm thường bị ngập sâu mỗi khi có mưa lũ gây lụt nhưng người dân không hề chủ động di dời, khi lực lượng chức năng yêu cầu di dời để bảo đảm an toàn tính mạng thì không chịu đi mà chỉ đòi hỏi được cấp mì tôm, nước uống trong khi nước chỉ mới ngập có vài tiếng đồng hồ. Hoặc việc cả thôn, cả xóm là vùng hay bị ngập lụt trong mùa mưa nhưng không có nổi một vài chiếc sõng, chiếc thuyền để di chuyển người khi có tình huống cũng cho thấy ý thức chủ động phòng tránh thiên tai rất hạn chế nếu không nói là yếu kém.
Nguyên tắc phòng tránh bão lụt hiệu quả nhất là phải thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, bao gồm: phương án tại chỗ, phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Điều đó có thể thấy ở thực tế một số nơi ở Hà Tĩnh, Quảng Bình trong cơn lũ kinh hoàng trong tháng 10 vừa qua. Ở các địa phương này người dân đã chủ động làm nhà bè trên các phao nổi, có đầy đủ lương thực, thực phẩm và các vật dụng thiết yếu khác. Khi có tình huống ngập sâu, cứ nước dâng lên thì nhà bè cũng nổi lên, người và gia súc gia cầm có thể sống an toàn trên bè cho đến khi nước rút. Không nói đâu xa, với người dân khu đông ở các huyện Tuy Phước, Phù Cát, An Nhơn… người dân đều có sự chủ động ứng phó nên hầu như không bị thiệt hại bất thường về tài sản, hoa màu, vật nuôi nếu không bị lũ lụt quá lớn hay bất thường.
Người xưa có câu “nước xa không cứu được lửa gần”. Cũng tương tự, với thiên tai lũ lụt “người xa khó cứu được kẻ gần”! Hiện nay mới chỉ là đầu mùa mưa lũ ở địa bàn tỉnh ta nên việc chủ động ứng phó với lũ lụt, mưa bão vẫn là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Bên cạnh sự chỉ đạo của chính quyền và các lực lượng chức năng thì người dân cần nâng cao ý thức phòng tránh để hạn chế đến mức thấp nhất sự nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của mình và cộng đồng dân cư. Bởi lẽ, khi có tình huống bất thường, chẳng hạn như lũ lụt đổ về trong đêm khuya, nếu không chủ động “4 tại chỗ” để tự xử lý tức thì mà trông chờ lực lượng cứu trợ thì rất nguy hiểm.
H.Đ