Mưa lũ làm 2 người chết, 2 người bị thương và 189 ngôi nhà bị sập
(BĐ)- Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Bình Định, sáng ngày 5.11, tuy lượng mưa trên địa bàn tỉnh giảm mạnh, nước lũ trên các sông cũng đã xuống thấp so với ngày trước, nhưng vẫn ở mức cao, nên nhiều địa phương còn bị lũ cô lập.
Tại TP Quy Nhơn, nước đã tràn qua đê thượng lưu đập Phú Hòa trên địa bàn phường Nhơn Phú. Nhiều khu vực ở phường Bùi Thị Xuân, Nhơn Phú, Nhơn Bình và các xã Phước Mỹ, Nhơn Hải bị ngập, ảnh hưởng tới đời sống sản xuất của 154 hộ dân và một số cơ quan nhà nước.
Tại Tuy Phước, nước lũ ngập và chia cắt các xã: Phước Lộc, Phước Nghĩa, Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hiệp, Phước Hòa, Phước Quang, Phước Thắng. Mất điện lưới hai xã Phước Hòa, Phước Thắng. Toàn huyện có 180 nhà dân bị sập, 2 cầu gỗ bị cuốn trôi.
Thị xã An Nhơn cũng có nhiều khu vực thuộc phường Nhơn Hòa, Bình Định và các xã: Nhơn Hậu, Nhơn Mỹ, Nhơn Phong, Nhơn Lộc bị ngập; 3 nhà dân sập và tốc mái.
Ở Vĩnh Thạnh, Vân Canh, nước lũ ngập chia cắt giao thông các xã: Vĩnh Hảo, Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn; đường giao thông ở xã Canh Liên bị sạt lở nghiêm trọng.
Tại huyện Phù Mỹ mưa lớn làm 914 ha lúa, 348 ha cây màu ngập úng, hư hại; 44 nhà bị ngập nước, 181 nhà bị cô lập.
Còn tại Phù Cát, hiện các xã: Cát Nhơn, Cát Thắng, Cát Hưng, Cát Chánh, Cát Tiến vẫn còn ngập sâu trong nước. Toàn huyện có 1 người chết; 3 nhà bị sập, 6 km kênh mương bị bồi lấp.
Huyện Hoài Ân cũng bị thiệt hại nặng do mưa lớn gây lũ quét, các tuyến đường giao thông liên xã bị sạt lở, chia cắt. Toàn huyện có 2 nhà sập, 69 nhà tốc mai, hư hỏng; 128 đập tạm, đập bổi bị cuốn trôi, 11 đập dâng hư hỏng; 4 cầu và 18 công trên đường giao thông bị sập hỏng.
Tại Hoài Nhơn, mưa lũ gây ngập lụt ở các xã: Hoài Châu Bắc, Hoài Hảo, Hoài Sơn, Hoài Phú, Hoài Châu. Mưa lũ còn làm 604 ha lúa bị ngập úng; 2 nhà sập, 31 nhà tốc mái, 190 nhà ngập nước; 4 km đường giao thông bị sạt lở.
Báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho thấy, thiệt hại do mưa lũ gây ra ngày càng nhiều. Tính đến 11 giờ ngày 5.11, mưa lũ đã làm 2 người chết; 2 người bị thương; 189 ngôi nhà dân bị sập và vùi lấp, 116 ngôi nhà tốc mái. Mưa lũ cũng làm ngập 1.450 nhà ngập nước; 333 hộ dân sống ở những vùng nguy hiểm phải di dời đến nơi an toàn; 230 hộ dân bị cô lập. Cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nặng, trong đó có 14 km đường giao thông nông thôn bị sạt lở, khối lượng 20.240 m3; 19 điểm bị ngập, 18 cống và 9 cầu nhỏ bị hư hỏng. Về thủy lợi, mưa lũ đã làm cho 30 m kè, 2,244 km bờ sông, 11,49 km kênh mương bị sạt lở, khối lượng 7.250 m3; 11 đập dâng nhỏ bị hư hỏng, khối lượng 1.150 m3; 128 đập tạm, đập bổi bị cuốn trôi. Về nông nghiệp, toàn tỉnh có 1.664 ha lúa mùa, 628 ha màu bị ngập; 3.556 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Ngoài ra, mưa lũ còn làm ướt và hư hỏng 60 tấn xi măng, 10 tấn thức ăn gia súc; 22 trụ điện hạ thế bị ngã; 1.450 giếng nước bị ngập.
Cũng theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, hiện có 2 tàu cá ở huyện Hoài Nhơn đang bị nạn trên biển. Trong đó, tàu cá BĐ 96973 TS, công suất 400 CV của ông Lê Vũ Dũng, ở xã Tam Quan Nam làm chủ kiêm thuyền trưởng, trên tàu có 5 thuyền viên bị gãy chân vịt ngày 1.11 ở vùng biển có tọa độ 15049’N – 112040’E đã có tàu cá BĐ 97384 TS của ông Lê Văn Liên, ở Hoài Hương hỗ trợ lai dắt, nhưng do thời tiết xấu nên chưa biết khi nào 2 tàu sẽ vào bờ. Còn tàu cá BĐ 99939 TS, công suất 800 CV của ông ông Nguyễn Thư, ở xã Hoài Thanh, do ông Phạm Hà, ở xã Hoài Hải làm thuyền trưởng, trên tàu có 10 thuyền viên bị sóng đánh chìm lúc 4 giờ ngày 5.11 tại vùng biển có tọa độ 09049’N - 109056’E, khi đang về đảo Phú Quý để tránh Áp thấp nhiệt đới. Sáng ngày 5.11, Ủy ban quốc gia TKCN đã điều tàu CSB 9001 đi cứu tàu cá BĐ 99939 TS. Dự kiến khoảng 12 giờ cùng ngày, tàu CSB 9001 sẽ tiếp cận tàu bị nạn.
T.SỸ