Đừng để… giật mình!?
Đó là thực trạng đáng buồn, nhưng dường như đã trở thành căn bệnh mãn tính trong công tác quản lý ở nước ta, mà vụ cháy nhà hàng karaoke khiến 13 người thiệt mạng và 4 căn nhà phố bị thiêu rụi ở Hà Nội mới đây là một minh chứng hết sức cụ thể.
Bởi lẽ, trước đó ở nhiều nơi trong nước đã xảy ra một số vụ cháy tương tự khiến hàng chục người chết, nhiều tài sản trị giá hàng trăm tỉ đồng bị thiêu rụi. Và cứ sau khi mỗi vụ việc được gọi là “tai nạn đáng tiếc” như thế xảy ra, dư luận lại “giật mình”, thậm chí “té ngửa” với những “lỗ hổng” về quản lý mà các cơ quan chức năng chỉ ra. Chỉ có điều, dù có hàng loạt sai phạm như kinh doanh không phép, thiết kế không đảm bảo an toàn cháy nổ theo tiêu chuẩn ABC gì đó, chưa được thẩm định cấp phép…, nhưng các cơ sở này vẫn tổ chức hoạt động kinh doanh bình thường. Cũng có nơi từng được cơ quan quản lý kiểm tra, có nhắc nhở, lập biên bản xử phạt hành chính… nhưng ngay sau đó vẫn hoạt động bình thường dù mọi sự vẫn… như cũ (!).
Sau vụ cháy kinh hoàng nói trên, các cơ quan quản lý ở Hà Nội đã cho biết cơ sở này chưa có giấy phép kinh doanh, chưa được thẩm định cấp phép về cháy nổ là các điều kiện bắt buộc phải có. Tuy nhiên cũng từ vụ “tai nạn đáng tiếc” này, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra và phát hiện có tới 100% cơ sở kinh doanh karaoke được kiểm tra ở thành phố này đều không đảm bảo an toàn cháy nổ. Điều đó cũng đồng nghĩa có từng ấy địa chỉ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố về hỏa hoạn. Trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng ở đây là gì? là câu hỏi của dư luận sau mỗi vụ việc xảy ra, nhưng dường như chưa bao giờ nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Sau vụ cháy gây hậu quả thảm khốc nói trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan và các địa phương tiến hành rà soát công tác phòng chống cháy nổ trên phạm vi toàn quốc, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí tập trung đông người tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về phòng chống cháy nổ như nhà hàng karaoke, quán bar, vũ trường, các khu vui chơi...Ở tỉnh ta, Cảnh sát PCCC Bình Định cũng đã có kế hoạch để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng đối với các cơ sở thuộc diện nói trên trong phạm vi toàn tỉnh.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng đợt kiểm tra, rà soát cháy nổ này cũng vẫn là một giải pháp tình thế. Nó giống như một cú “giật mình”, “té ngửa” tương tự như vụ tàu thủy du lịch nội địa chìm ở Đà Nẵng, vụ nhà hàng nổi chìm trên biển ở Ninh Thuận cách đây chưa lâu.
Vì vậy, vấn đề đặt ra là công tác phòng chống cháy nổ phải là hoạt động thường xuyên, được thực hiện nề nếp, đúng quy định của pháp luật để không còn chuyện “giật mình”. Hy vọng rằng sau đợt tổng kiểm tra rà soát này, công tác bảo đảm an toàn cháy nổ sẽ được nâng lên, sẽ không có các cơ sở mất an toàn về cháy nổ mà vẫn hoạt động để đảm bảo an toàn cho mọi người.
Điều mà dư luận mong đợi là sẽ không còn những cú “giật mình” hay “té ngửa” vì những sự cố “tai nạn đáng tiếc” trong tương lai!
HẢI ÐĂNG