Nhen và giữ lửa tình yêu văn hóa truyền thống
23 năm làm công tác văn - thể ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh, thầy giáo Nguyễn Văn Lập không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà còn nhen và giữ được ngọn lửa tình yêu văn hóa truyền thống trong học sinh đồng bào các dân tộc thiểu số.
23 năm trước, tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm âm nhạc, thầy Nguyễn Văn Lập (quê ở xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước) về làm giáo viên Âm nhạc, Trường PTDTNT tỉnh. Đúng với ngành nghề đã học nhưng thầy Lập vẫn thấy áp lực và lo lắng trước nhiệm vụ tổ chức phong trào văn nghệ học đường sao cho vừa mang bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, vừa phù hợp với học sinh để thu hút các em tham gia.
Thầy Nguyễn Văn Lập hướng dẫn nhóm hạt nhân văn nghệ của Trường PTDTNT tỉnh chuẩn bị một tiết mục đệm cồng chiêng và hát dân ca.
1.
Không cách nào khác, thầy giáo Lập buộc phải tập trung tìm hiểu những nét đặc thù, tiêu biểu nhất trong văn hóa truyền thống của từng dân tộc: Bana, Hre, Chăm… trên đất Bình Định. Qua sách, tài liệu, cũng như qua chính học sinh ở trường, thầy Lập “vỡ lòng” từ những điều đơn giản nhất.
Để chuẩn bị thật tốt cho các tiết mục của đơn vị chủ nhà Bình Định tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao học sinh các trường PTDTNT toàn quốc (năm 1994), Trường PTDTNT tỉnh mời các nghệ sĩ, nghệ nhân trong tỉnh am tường về văn hóa miền núi như Lương Lu, Trần Hạnh, Đinh Y Băng tư vấn chuyên môn, hỗ trợ dàn dựng chương trình. Với thầy Lập, được cùng làm việc với các nghệ sĩ, nghệ nhân giỏi này là cơ hội “tập huấn” chuyên sâu đầu tiên và quan trọng. Sau này, thầy Lập vẫn thường tìm đến các nghệ nhân, những người am tường về văn hóa miền núi, để bổ túc kiến thức. Có tinh thần cầu thị cao, thầy Lập đã không bỏ sót bất kỳ đợt tập huấn nào dành cho cán bộ làm công tác văn hóa - văn nghệ ở các trường PTDTNT toàn quốc, do Bộ GD&ĐT tổ chức.
2.
Từ yêu cầu của trường, thầy Lập học thêm môn Giáo dục thể chất và là Trưởng ban Văn - Thể của Trường PTDTNT tỉnh từ năm 2003. Hơn 20 năm trong công tác tổ chức hoạt động văn nghệ học đường ở Trường PTDTNT tỉnh, từ chỗ cần biết để hoàn thành tốt nhiệm vụ, một cách tự nhiên, văn hóa truyền thống các dân tộc Bana, Hre, Chăm ở Bình Định đã “thẩm thấu” và trở nên gần gũi, gắn bó với thầy Lập.
Trong vai trò “nhạc trưởng” phong trào văn- thể của trường, thầy Lập cùng đồng nghiệp và học sinh đã dàn dựng nhiều tiết mục văn nghệ ấn tượng, thể hiện nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc, tạo được dấu ấn tại các kỳ hội diễn văn nghệ ngành GD&ĐT cấp tỉnh cũng như hội diễn khối trường PTDTNT toàn quốc. Thành tích nổi bật gần đây nhất của Trường là HCV song ca “H’ren lên rẫy” (Đinh Thị Hồng Trang - Đinh Thị Búp), HCB múa “Âm vang đại ngàn” (tập thể học sinh) tại Hội diễn Văn nghệ học sinh các trường PTDTNT toàn quốc - năm 2014.
Có dịp trò chuyện với một số cựu học sinh vốn là “cây văn nghệ” một thời ở Trường PTDNT tỉnh như Đinh Thị Thươn, Đoàn Bá Chinh, Đinh Thị Hồng Trang… và cả một số hạt nhân hiện tại như Đặng Minh An, Nguyễn Thị Thơ, Đinh Thị Thanh Hằng, Đinh Triệu Vi… trong nhiều tình cảm yêu mến dành cho thầy Lập, nổi lên một nhận xét chung, đó là thầy giáo Lập không còn là “khách” với văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, mà thật sự đã là “người con”, nặng lòng yêu và gánh trách nhiệm giữ gìn di sản. Điều này làm lay động và tiếp thêm “lửa”, để thế hệ trẻ như họ ý thức hơn về bảo tồn vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
3.
Tôi bất ngờ khi nghe thầy Lập phấn khởi bảo, mình có được một môi trường, điều kiện làm việc rất thuận lợi. “Bản năng nghệ sĩ ở học sinh người dân tộc thiểu số rất lớn. Khi cồng chiêng vang lên, các em sẽ xoang; nghe thanh âm các nhạc cụ quen thuộc của đồng bào mình, các em khe khẽ hát những bản dân ca. Là khán giả, các em thưởng thức chăm chú, cổ vũ nhiệt tình. Khi biểu diễn, các em hiếm khi bị “khớp” bởi sân khấu hoành tráng hay đông khán giả. Vậy nên, trong tổ chức các hoạt động phong trào, Ban Văn - Thể không phải nhọc công khuấy động. Cái khó lớn nhất hiện nay là làm sao giúp các em hài hòa giữa hội nhập, du nhập các loại hình văn hóa hiện đại, với giữ gìn, phát huy vốn văn hóa truyền thống” - thầy Lập trăn trở.
SAO LY