Người dân các xã khu Ðông 2 huyện Phù Cát, Tuy Phước:
Lũ lụt bủa vây, khó khăn chồng chất
Gần một tuần nay, người dân các xã khu Ðông: Cát Thắng, Cát Chánh (huyện Phù Cát) và Phước Hòa, Phước Thắng (huyện Tuy Phước) phải sống chung cùng lũ, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Nhiều khu dân cư ở các xã khu Đông bị nước lũ chia cắt trong nhiều ngày.
Từ ngày 1 - 4.11, mưa lớn cộng với nước lũ từ thượng nguồn đổ về các xã khu Đông 2 huyện Tuy Phước và Phù Cát đã gây ngập úng, thiệt hại cho hàng chục ngàn hộ dân nơi đây. Nước lũ chia cắt hệ thống giao thông, gây ngập sâu, cô lập nhiều khu dân cư. Đến trưa 5.11, trời vẫn còn mưa nên nước lũ rút rất chậm. Các tuyến tỉnh lộ 640, 636A, 636B - tuyến đường ra - vào các xã khu Đông - vẫn ngập trong nước. Đò và sõng là phương tiện di chuyển chủ yếu của bà con nơi đây.
Dù sống ở vùng “rốn lũ”, có nhiều kinh nghiệm ứng phó, nhưng năm nay, do lũ về nhanh, lưu lượng lớn nên nhiều người dân gặp không ít thiệt hại. Ông Phạm Phi (ở thôn Thanh Quang, xã Phước Thắng) thổ lộ: “Khuya ngày 1, rạng sáng 2.11, gió giật mạnh, nước lớn ào ạt đổ về làm nhà tui chao nghiêng rồi đổ sụp. Bốn người trong nhà chỉ kịp chạy ra ngoài thoát thân. Lúa dự trữ và thóc giống chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân 2016 - 2017 bị hư hỏng toàn bộ; nhiều vật dụng, đồ đạc trong nhà cũng bị hư hỏng. Hiện gia đình tui phải ở tạm nhà hàng xóm, chờ tạnh mưa và lũ rút mới tính tiếp”.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thắng, nhẩm tính: “Đến ngày 5.11, toàn xã có 40 nhà bị gió giật và lũ dâng cao làm đổ sập; 1 cầu giao thông bị trôi; hệ thống giao thông, thủy lợi ngập trong nước; tất cả 9 thôn trong xã bị cô lập. Đến giờ chưa thể thống kê thiệt hại bao nhiêu”.
Tại xã Phước Hòa, tính đến trưa 5.11, có 57 ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Hiện các khu dân cư ở 2 thôn Huỳnh Giản Nam và Huỳnh Giản Bắc vẫn còn bị cô lập. Ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, nói: “Nếu 1, 2 ngày tới nước không rút, các khu dân cư này cần hỗ trợ về lương thực, thực phẩm và nước uống. Với các trường hợp nhà bị sập, địa phương cử tổ xung kích phòng chống lụt bão đến giúp đỡ thu dọn và che chắn nhà ở tạm; nếu không còn ở được nữa thì di dời đến trụ sở thôn, nhà văn hóa và các trường học sống tạm”.
Ông Võ Thành Hải, Chủ tịch UBND xã Cát Chánh, cho biết, đến thời điểm này, việc đi lại giữa các thôn trong xã vẫn rất khó khăn do nước chia cắt nhiều khu dân cư. Chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động bà con hạn chế đi lại để đảm bảo sức khỏe và an toàn tính mạng. Theo thống kê sơ bộ, cả xã có 900 nhà dân bị nước tràn vào, 2 căn nhà bị sập hoàn toàn, 2 căn nhà tốc mái.
Chúng tôi đến thăm nhà bà Nguyễn Thị Lan, ở thôn Chánh Hậu. Nhà bà Lan xây mái ngói, vậy mà do lũ lớn cộng với gió to, đã bị sập hoàn toàn vào đêm 3.11. Bà Lan kể: Nửa đêm, chỉ mình tôi ở nhà, bất ngờ nhà bị sập. Tôi vội chạy thoát được ra ngoài, nhưng nhiều vật dụng trong nhà đã bị cuốn mất cả.
Được biết, Cát Chánh đã lập đoàn đi giúp các hộ có nhà sập, kiểm tra lại hệ thống điện, tiếp tục canh gác tại các tuyến giao thông bị ngập và các bến đò, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Ngoài chống chọi với lũ, người dân ở các khu Đông của 2 huyện Phù Cát, Tuy Phước còn sống trong cảnh không có điện và thiếu nước sạch. Đến ngày 5.11, ở xã Phước Thắng, điện vẫn cúp. Nhiều người chưa kịp chuẩn bị dầu hỏa để thắp đèn dầu, đành mò mẫm trong đêm. Điện thoại di động cũng bị tạm ngưng liên lạc do không có điện để sạc.
“Tivi, đài “tê liệt” vì không có điện, người dân không thể sử dụng để theo dõi tình hình thời tiết, lũ lụt. Điện thoại di động cũng không còn liên lạc được nên việc nắm thông tin, liên lạc, điều hành với các thôn qua điện thoại gặp nhiều khó khăn, hạn chế”- ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thắng, tâm tư.
Hiện nay, các địa phương đang dồn nỗ lực cho việc khắc phục hậu quả, trước mắt kịp thời hỗ trợ các hộ gia đình có nhà bị sập, bị hư hỏng nhanh chóng ổn định nơi ăn chốn ở. Ngành Y tế cũng phối hợp cùng địa phương, nước rút đến đâu tổng vệ sinh đến đó, phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho người dân; đồng thời chuẩn bị mọi điều kiện để phòng chống bão lũ tiếp theo.
VĂN LỰC - XUÂN THỨC - HOÀI TRUNG