Đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 22:
Tăng cường tính động viên, khuyến khích sự phấn đấu của học sinh
Thông tư 22 ra đời nhằm điều chỉnh, bổ sung một số điều còn hạn chế, bất cập trong quy định đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30. Bộ GD&ĐT quy định, từ 6.11, các trường tiểu học trên cả nước sẽ chính thức thực hiện Thông tư 22 của Bộ, thay thế Thông tư 30.
Trao đổi với PV, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đặng Văn Phụng cho biết: Trong tuần này, các trường sẽ tổ chức kiểm tra giữa kỳ 2 môn Tiếng Việt và Toán cho học sinh lớp 4, 5.
* Thưa ông, vì sao lại có các cuộc kiểm tra này? Đây có phải là một trong những thay đổi theo Thông tư 22 không, thưa ông?
- Từ khi triển khai Thông tư 30, nhiều phụ huynh có con em học ở những lớp cuối cấp khá lo lắng, băn khoăn khi cho rằng, những lời nhận xét, cách đánh giá Hoàn thành và Chưa hoàn thành, khiến họ không biết rõ sức học của con em mình.
Học sinh lớp 5 Trường Tiểu học số 2 Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn trong giờ học tiếng Anh.
Bởi thế, Thông tư 22 quy định, học sinh khối 4 và khối 5 sẽ có thêm các bài kiểm tra giữa các học kỳ đối với hai môn Tiếng Việt và Toán. Các bài kiểm tra này sẽ được chấm điểm kèm theo nhận xét và trả lại cho học sinh.
Mục đích của quy định mới nhằm giúp giáo viên, phụ huynh nắm bắt kịp thời thông tin về quá trình học tập của học sinh với hai môn học này để từ đó có những điều chỉnh phù hợp.
Quy định mới cũng nêu rõ trách nhiệm của hiệu trưởng trong chỉ đạo việc ra đề bài kiểm tra.
* Phụ huynh thường xuyên thắc mắc và muốn biết chính xác sức học của con em mình, Thông tư mới có đưa ra giải pháp nào không, thưa ông?
- Về quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập, Thông tư 30 đưa ra hai mức đánh giá: Hoàn thành và Chưa hoàn thành. Cách đánh giá như thế còn nặng về định tính, thiếu tính động viên, khuyến khích sự phấn đấu của học sinh. Thông tư 22 khắc phục bằng cách đưa ra 3 mức đánh giá: Hoàn thành tốt, Hoàn thành và Chưa hoàn thành. Đưa thêm mức đánh giá Hoàn thành tốt để nhìn nhận rõ ràng hơn kết quả phấn đấu của học sinh. Việc đánh giá theo 3 mức được giáo viên thực hiện vào giữa kỳ, cuối mỗi học kỳ.
Thông tư 22 cũng quy định, đối với việc đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh, thông qua quá trình đánh giá thường xuyên đến giữa và cuối mỗi học kỳ, giáo viên lượng hóa mỗi năng lực, phẩm chất thành ba mức: Tốt, Đạt, Cần cố gắng (trước đây theo Thông tư 30 chỉ có hai mức Đạt và Chưa đạt).
Thay đổi này sẽ giúp đánh giá chính xác hơn quá trình phấn đấu của học sinh, cung cấp thông tin phản hồi cụ thể hơn để cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh xác định được mức độ hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của con em mình sau một giai đoạn học tập, rèn luyện. Từ đó, có những giải pháp kịp thời, giúp đỡ các em khắc phục hạn chế, phát huy những điểm tích cực để ngày một tiến bộ hơn.
Riêng về quy định khen thưởng học sinh, Thông tư 22 quy định khen thưởng những học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện, cùng những học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về từng nội dung đánh giá. Quy định như vậy sẽ cụ thể hơn, giúp cho giáo viên và nhà trường thuận lợi hơn trong khen thưởng học sinh, và nhằm hạn chế bệnh sính thành tích.
* Được biết, “gánh nặng” sổ sách của giáo viên cũng đã được Thông tư 22 giảm bớt?
- Theo quy định trong Thông tư 22, Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục sẽ thay thế Sổ theo dõi chất lượng giáo dục được quy định sử dụng trong Thông tư 30. Ngoài ra, Thông tư 22 không quy định cứng nhắc bất kỳ loại sổ nào sử dụng trong quá trình đánh giá học sinh. Giáo viên được trao quyền tự chủ theo dõi sự tiến bộ của học sinh theo cách của riêng mình.
Thay đổi căn bản này sẽ giúp cho giáo viên đánh giá học sinh thuận lợi hơn. Với những lớp có đông học sinh, giáo viên không mất nhiều thời gian cho sổ sách, sẽ có thời gian quan tâm đến học sinh hơn.
Trong thời gian tới, khi có chỉ đạo thống nhất của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT sẽ triển khai việc ghi và sử dụng Học bạ cũng như Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục.
* Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Sở GD&ĐT đã có chỉ đạo gì với các trường, thưa ông?
- Sau khi Thông tư 22 được ban hành, Sở GD&ĐT đã tìm hiểu và nghiên cứu kỹ những thay đổi, bổ sung để tổ chức triển khai trong toàn tỉnh về nội dung của Thông tư 22.
Thời gian tới, Sở sẽ thống nhất về cách sử dụng Học bạ và Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục theo quy định của Bộ GD&ĐT. Thông tư 22 còn mới mẻ, chắc chắn trong quá trình thực hiện các đơn vị sẽ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Sở GD&ĐT tiếp tục kiểm tra, hỗ trợ kịp thời, có giải pháp thiết thực để thực hiện Thông tư 22 thực sự có hiệu quả.
* Xin cảm ơn ông!
NGỌC TÚ (Thực hiện)
Theo đại diện của Bộ Giáo dục, Thông tư 22 nhằm sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Thông tư 30 chứ không thay thế Thông tư 30. Thực tế chỉ có một số điểm được sửa đổi, bổ sung nhằm giúp cho giáo viên, nhà trường dễ dàng thực hiện hơn, khắc phục những khó khăn đã gặp phải khi thực hiện Thông tư 30 trong thời gian qua. Có thể nói, cốt lõi của Thông tư 30 là việc bỏ chấm điểm thường xuyên ở bậc tiểu học và giờ tiếp nối là Thông tư 22. Sau ba năm thực hiện Thông tư này, phụ huynh vẫn cảm thấy tù mù, chẳng biết con mình thực học thế nào, kết quả ra sao và liệu những nhận xét của giáo viên với con mình có là thực chất hay không? Ở bậc tiểu học, việc chấm điểm hằng ngày có ý nghĩa lớn trong việc khuyến khích các cháu học tập. Phụ huynh nhìn vào điểm số hàng ngày biết con mình học như thế nào để có biện pháp dạy dỗ, nhắc nhở. Liệu rằng thông tư 22 có phù hợp chưa, hay sẽ là thông tư 23 hay 24 nữa. Theo GS. Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thì phương pháp bỏ chấm điểm này đã được nhiều nước áp dụng, tuy nhiên ta muốn làm theo thì phải có sự chuẩn bị kỹ càng. Trong một số nội dung thì chưa chắc chúng ta đã có đầy đủ điều kiện như các nước.Thứ nhất, giáo viên của họ phải được đào tạo, bồi dưỡng về phương pháp đánh giá học sinh theo kiểu mới. Thứ hai, lớp học của họ ít học sinh, bởi vậy giáo viên có thể quan tâm trực tiếp đến từng em. Còn lớp học ở Việt Nam thì sĩ số đông, thậm chí cô chưa nhớ tên học sinh thì làm sao biết em nào khá hay giỏi? Ngày trước cho điểm là giúp giáo viên khi chấm bài thì nhớ “em này 5 điểm thì kém, em kia 9 điểm thì giỏi”. Nhưng với việc “chấm” bằng nhận xét, giáo viên phải biết từng em như thế nào. Ở Việt Nam là hơi khó, vì sĩ số lớp học không biết đến bao giờ mới rút xuống con số chuẩn" .