Nghỉ tết Nguyên đán 2017 nên 7 hay 10 ngày ?
ĐBQH Phạm Trí Thức: Nghỉ tết dài không những có lợi cho công chức như tái tạo sức lao động mà còn tiết kiệm chi phí thường xuyên cho nhà nước…
Bộ Nội vụ vừa có công văn gửi Bộ LĐTB&XH thống nhất với phương án nghỉ Tết Âm lịch “2 ngày cuối năm Bính Thân và 3 ngày đầu năm Đinh Dậu”. Theo đó, thời gian công chức, viên chức được nghỉ là 7 ngày, không hoán đổi ngày nghỉ để kéo dài thời gian nghỉ Tết (dự kiến lên 10 ngày).
Như vậy, công chức, viên chức nghỉ Tết Âm lịch từ Thứ năm, ngày 26.1.2017 đến hết Thứ tư ngày 1.2.2017. Phương án nghỉ lễ, Tết 2017 đang chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định.
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội)
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên VOV.VN bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Phạm Trí Thức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Người lao động nên được nghỉ tết 10 ngày.
"Tôi nghĩ nếu nghỉ tết 10 ngày người lao động sẽ có nhiều thời gian để họ đi thăm gia đình, họ hàng hoặc có 1 kỳ nghỉ dài rất có ý nghĩa. Đối với công nhân hoặc những người lao động nếu nghỉ dài sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp" - ông Thức nói:
Ông Thức cho hay: Đối với công chức, viên chức nên nghỉ 10 ngày như thế sẽ tiết kiệm rất nhiều cho ngân sách nhà nước và xã hội. Vì sao vậy? Nghỉ tết dài không những có lợi cho công chức như tái tạo sức lao động để làm những việc trong năm họ không có thời gian làm được, thời gian thư giãn, nghỉ ngơi, thăm gia đình, họ hàng mà còn kích cầu, tiết kiệm điện nước, tiết kiệm chi phí thường xuyên cho nhà nước…
Còn đối với doanh nghiệp, điều đó lại lệ thuộc nhiều vào yếu tố sản xuất, hợp đồng đặt hàng cũng như kế hoạch của doanh nghiệp. Cho nên, theo tôi thời gian nghỉ nên để linh hoạt và hãy để cho từng doanh nghiệp lựa chọn phù hợp với nhu cầu của họ".
Ông Thức nhấn mạnh: “Đối với công chức, không phải cứ đến công sở mới làm việc mà họ làm việc mọi lúc mọi nơi. Người ta ở nhà vẫn có thể làm việc. Chẳng hạn như chúng tôi, ngày nghỉ vẫn phải làm việc, thậm chí 11h đêm họ còn đưa tài liệu để xử lý. Nếu quản lý công chức như học sinh lớp 1 là không đúng.
Thậm chí nhiều cơ quan quản lý chặt nhân viên như check dấu vân tay là không phù hợp. Tất nhiên về kỷ luật lao động chúng ta phải tuân thủ nhưng phải dựa trên cơ sở kết quả lao động. Vì thời hiện đại bây giờ họ quản lý trên cơ sở hiệu quả công việc chứ không phải giờ giấc”.
Ông Thức nêu ví dụ rất cụ thể, trên thực tiễn rất nhiều người đi làm rất sớm, đúng 7h30 có mặt ở cơ quan và đến hơn 17h mới về nhưng hiệu quả không cao. Có người cả cuộc đời đi làm đủ 8 tiếng, không có đóng góp gì cho cơ quan thì đến sớm làm gì? Họ cứ đổ cho thời gian chẳng qua là ngụy biện.
“Nếu chúng ta say mê công việc thực sự sẽ không có giới hạn về thời gian. Thậm chí khi đã về đến nhà đầu óc vẫn suy nghĩ để làm sao hoàn thành công việc mà cơ quan giao. Như chúng tôi làm nghiên cứu lúc nào cũng nghĩ đến công việc, thậm chí ngay cả lúc ăn cơm cũng nghĩ đến công việc”- ĐB Thức nói.
Trong khi đó, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) lại cho rằng: Chúng ta nên cần nhắc kỹ vấn đề này và cho rằng phương án nghỉ 7 ngày là phù hợp hơn.
Bà Khánh phân tích: Nghỉ 7 ngày là hợp lý vì nó có lợi cho sức lao động, đảm bảo cho nghỉ ngơi và đảm bảo tái tạo sức lao động, đặc biệt là đảm bảo ngày công người lao động của các doanh nghiệp. Nếu chúng ta nghỉ nhiều quá sẽ ảnh hưởng đến năng suất của các doanh nghiệp.
“Nói chung, chúng ta nên xem các cơ quan quản lý nhà nước tính toán như thế nào thì chúng ta cứ tin tưởng vào đề xuất của họ”- bà Khánh nói.
Theo Thu Thủy/VOV.VN