Quản lý hoạt động kinh doanh TDTT: Bất cập từ khâu phân cấp!
Thực hiện chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa thể thao, những năm qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh hoạt động TDTT. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố tích cực vì góp phần phát triển TDTT phong trào, quy định về cấp phép chưa phù hợp khiến việc quản lý của các cơ quan chuyên môn gặp không ít khó khăn.
Nhiều sân bóng đá mini cỏ nhân tạo trên địa bàn tỉnh không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định nhưng vẫn hoạt động bình thường.
Vướng mắc từ những hộ kinh doanh cá thể
Theo các cán bộ làm công tác quản lý TDTT ở các huyện, thị xã, thành phố, công tác hướng dẫn, quản lý thống kê CLB và hộ kinh doanh TDTT tại địa phương hiện gặp nhiều khó khăn vì Nghị định 106/2016/NĐ-CP, quy định điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2016, chỉ áp dụng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động TDTT đối với doanh nghiệp, còn hộ kinh doanh cá thể lại không được điều chỉnh bởi Nghị định này. Nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh, phần lớn người kinh doanh hoạt động TDTT là hộ cá thể chứ không phải doanh nghiệp nên công tác kiểm tra, hướng dẫn và quản lý còn nhiều bất cập và hạn chế.
Đến nay, Sở VH-TT đã cấp phép đủ điều kiện hoạt động kinh doanh TDTT cho một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các hộ kinh doanh cá thể khác đều chỉ đăng ký tại địa phương, với hình thức tương tự những loại hình kinh doanh dịch vụ khác, nên rất khó quản lý.
Ông Lê Chí Kiên, Phó Trưởng phòng VH-TT TP Quy Nhơn, cho biết: “Những năm trước đây, được sự ủy quyền của Sở TDTT (cũ), Phòng có cấp phép hoạt động tạm thời cho một số CLB TDTT trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, sau khi có quy định mới, chúng tôi đã dừng việc cấp phép vì không đúng thẩm quyền. Cũng vì vậy, rất khó có thông tin chính xác về số lượng CLB TDTT hoặc hộ kinh doanh hoạt động TDTT trên địa bàn thành phố”.
“Việc hoạt động thiếu sự quản lý về chuyên môn trong thời gian dài rất dễ dẫn đến tình trạng vì chạy theo lợi nhuận mà bất chấp những yếu tố đảm bảo an toàn cho người tham gia các dịch vụ thể thao tư nhân”
Theo một chủ sân bóng đá mini cỏ nhân tạo ở TP Quy Nhơn, hình thức kinh doanh của hộ cá thể này được tóm tắt với quy trình gồm: Ký hợp đồng thuê đất với đơn vị chủ quản, chủ đất, xin giấy phép xây dựng sân bóng, đăng ký kinh doanh hoạt động TDTT tại UBND thành phố. Khi hoàn tất các thủ tục này, coi như cơ sở đã đủ điều kiện hoạt động, không phải qua bất kỳ khâu thẩm định, hướng dẫn nào từ các cơ quan chuyên môn như Phòng VH-TT, Sở VH-TT… Chính vì vậy, các cơ quan chức năng gần như không thể thực hiện các thao tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực TDTT cũng như tổng hợp, thống kê các loại hình hoạt động kinh doanh TDTT. Công tác kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh để các cơ sở kinh doanh hoạt động TDTT thực hiện đúng các quy định của Nhà nước cũng gặp trở ngại.
Cần được hướng dẫn để làm đúng quy định
Theo ông Phan Tuấn Sơn, Phó phòng Nghiệp vụ TDTT (Sở VH-TT), Đảng và Nhà nước có rất nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức các mô hình, hoạt động TDTT. Mỗi mô hình đều có quy định riêng, bắt buộc phải đáp ứng đủ điều kiện mới được hoạt động. Ví dụ, sân bóng đá cần đảm bảo một số điều kiện như: diện tích sân tập luyện đảm bảo mật độ tối thiểu 25 m2/người, diện tích sân thi đấu đảm bảo kích thước theo quy định của luật thi đấu bóng đá; sân tập luyện và thi đấu bóng đá phải đảm bảo khoảng cách xung quanh an toàn, không có chướng ngại vật, khoảng cách tối thiểu từ đường biên của sân đến hàng rào hoặc sân liền kề là 2,5 m…. Việc tập luyện, thi đấu buổi tối phải đảm bảo ánh sáng tối thiểu 150 lux. Về cán bộ, nhân viên chuyên môn, là HLV, hướng dẫn viên thể thao hoặc VĐV có đẳng cấp từ cấp II trở lên; có bằng cấp về chuyên ngành TDTT từ bậc trung cấp trở lên…
Với những quy định cụ thể về điều kiện hoạt động kinh doanh thể thao như vậy, đòi hỏi phải có cơ quan chuyên môn thẩm định, kiểm tra, hướng dẫn, đánh giá trước khi cấp phép. Tuy nhiên, nhiều năm qua, vấn đề này chưa được chú trọng. Do đó, các chủ cơ sở tùy theo điều kiện của mình có thể xây dựng, trang bị không theo bất kỳ quy chuẩn nào.
Tuy chưa có thống kê về những trường hợp chấn thương khi tham gia tập luyện, thi đấu ở những cơ sở không tuân thủ quy định, nhưng đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra nếu không được chủ cơ sở quan tâm đúng mức. Việc hoạt động thiếu sự quản lý về chuyên môn trong thời gian dài cũng dễ dẫn đến tình trạng vì chạy theo lợi nhuận mà bất chấp những yếu tố đảm bảo an toàn cho người tham gia các dịch vụ thể thao tư nhân. Việc phát triển theo kiểu tự phát, không được hướng dẫn làm đúng ngay từ đầu, có thể gây ra lãng phí lớn nếu cơ quan có thẩm quyền “siết” các hộ kinh doanh hoạt động thể thao phải sửa chữa, hoàn thiện các công trình theo đúng quy định.
LÊ CƯỜNG