Cho mượn đất - tranh chấp đất
Cho mượn đất, sau đó là tranh chấp phần đất cho mượn có lẽ là chuyện không hiếm trong cuộc sống thường ngày. Tình cảm xóm giềng sứt mẻ cũng từ đây.
Ảnh minh họa
Theo trình bày của ông P. (TP Quy Nhơn), vào năm 2006, gia đình ông có cho ông K. mượn phần đất có diện tích 40 m2 (2 m x 20 m), trong phần diện tích 10.000 m2 đất rẫy của mình, để ông K. làm lối đi vào rẫy của gia đình ông K. Ông K. có làm giấy mượn đất và cam kết sử dụng để đi lại, không có quyền định đoạt, mua bán.
Tuy nhiên, sau đó gia đình ông P. phát hiện phần đất cho mượn đã bị ông K. lấn chiếm khá nhiều bằng cách mở rộng thêm lối đi, nên đến tháng 10.2011, gia đình ông P. yêu cầu ông K. trả lại phần đất đã mượn; đồng thời tiến hành rào lối đi này lại.
Tháng 11.2011, dưới sự chứng kiến của UBND phường và các cơ quan liên quan, ông K. đã viết giấy trả đất cho ông P.
Theo ông P. kể, sau đó, dù ông K. tự giác giao trả phần đất đã mượn nhưng vẫn gây sự bằng cách hăm dọa và chặt phá số cây trồng mà ông P. trồng mới trên diện tích đất đã cho mượn. Gần đây nhất, cuối năm 2015, gần 200 cây bạch đàn, keo lai 2 năm tuổi của gia đình ông P. trồng đã bị ông K. chặt phá.
Bức xúc trước hành động của ông K., gia đình ông P. tiếp tục làm đơn khiếu nại chính quyền và khởi kiện. Tuy nhiên, sau đó gia đình ông P. rút đơn kiện với suy nghĩ, đất của mình đã được cấp có thẩm quyền giao cho để trồng rừng và phần đất cho ông K. mượn hiển nhiên là đất của mình.
Cùng lúc này, ông K. cũng phản tố, làm đơn kiện ngược lại ông P. với lý do đây là con đường có sẵn và xin tòa giải quyết cho ông lối đi lên rẫy. Về điều này, ông P. phủ nhận và cho rằng, xưa nay vẫn có một lối đi nhỏ men theo bờ suối để đi vào các khu rẫy phía trên (trong đó có rẫy của ông K.), còn diện tích lối đi 40 m2 mà ông K. viết giấy mượn chính là phần đất của mình cắt ra, chứ không phải lối đi có sẵn.
Theo báo cáo của Phòng TN-MT TP Quy Nhơn về giải quyết tranh chấp này thì bản đồ đo vẽ năm 2005 không thể hiện phần đất đường đi vào thửa đất của ông K. Còn một số hộ dân sống lâu năm tại khu vực này thì cho rằng, có con đường vào rẫy của ông K. nhưng không xác định được diện tích.
Theo ông Phan Văn Hùng, Trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) thì: Quy định tại Điều 101, Luật Đất đai năm 2013 là, “hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 1.7.2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nay được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch, thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”. Như vậy, ông P. có quyền tiếp tục sử dụng hợp pháp phần đất từng cho ông K. mượn”.
Sự việc còn chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, qua vụ việc này cho thấy, trong ứng xử hàng ngày, nhiều người đã để tình cảm xóm giềng sứt mẻ chỉ vì không nhớ câu “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”.
Nguồn gốc thửa đất của ông P. là mua lại của một người khác vào năm 1995. Mảnh đất này có diện tích 10.000 m2, được UBND TP Quy Nhơn giao để trồng rừng (thời hạn sử dụng 30 năm, tính từ năm 1993). Việc thỏa thuận mua bán giữa ông P. và chủ cũ của mảnh đất thể hiện bằng giấy viết tay.
Còn thửa đất 1.500m2 mà ông K. đang làm rẫy cũng được gia đình ông mua vào năm 2004 của một người khác; việc mua bán này cũng bằng giấy viết tay. Phần đất này nằm liền kề với phần đất của gia đình ông P.
KIỀU ANH