Liên thông thủ tục hành chính “3 trong 1”: Chưa đồng bộ
Để “Đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính (TTHC): Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi” đi vào cuộc sống, UBND tỉnh đã ra Quyết định 3281/QĐ-UBND ngày 22.9.2015, ban hành quy chế phối hợp thực hiện liên thông các TTHC này, tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại cho người dân.
Lợi ích mà đề án này mang lại là, người có yêu cầu thực hiện các TTHC nêu trên chỉ nộp hồ sơ một lần và nhận được nhiều kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND xã, phường, thị trấn. Quy trình này sẽ giảm được 4 lần đến cơ quan quản lý nhà nước, cắt giảm 8 loại giấy tờ, 4 loại bản sao giấy tờ khác trong thành phần hồ sơ, giảm chi phí và tránh những sai sót về thông tin cá nhân.
Tuy vậy, thực tế triển khai ở một số địa phương trong tỉnh cho thấy, đang lại xuất hiện nhiều vướng mắc, chủ yếu ở khâu cấp thẻ BHYT, nên đề án chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn.
Vì khoảng cách một số UBND cấp xã và trụ sở cơ quan Bảo hiểm Xã hội huyện khá xa, nên việc đi lại nộp hồ sơ và nhận kết quả của công chức xã bất tiện, mất thời gian, khiến việc cấp thẻ BHYT cho trẻ chậm, không đảm bảo quy trình nhận kết quả của 3 loại TTHC nêu trên. Mặt khác, thường ở UBND cấp xã chỉ có 1 công chức Tư pháp - Hộ tịch nên khó khăn trong bố trí thời gian để mang hồ sơ đến Bảo hiểm Xã hội huyện nộp, cũng khiến quy trình thủ tục “3 trong 1” bị trễ.
Đơn cử, tại UBND xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân), có nhiều trường hợp khi giải quyết hồ sơ “3 trong 1” cho trẻ dưới 6 tuổi thì cấp giấy khai sinh ngay trong ngày, riêng hộ khẩu và BHYT thì phải hơn 1 tháng sau người dân mới nhận được. Công chức Tư pháp - Hộ tịch xã cho rằng, việc chậm hay nhanh còn phụ thuộc vào cơ quan Bảo hiểm Xã hội huyện. Ngoài ra, do trụ sở UBND xã cách quá xa Bảo hiểm Xã hội huyện, nên xã chờ khi đủ 10 bộ hồ sơ trong lĩnh vực này thì mới chuyển lên huyện. Sau đó, cơ quan Bảo hiểm Xã hội huyện phải mất một thời gian nhất định để giải quyết hồ sơ và cấp thẻ BHYT.
Ngoài ra, Quyết định 3281/QĐ-UBND có quy định nguyên tắc thực hiện liên thông các TTHC: “Cá nhân có yêu cầu thực hiện liên thông các TTHC có quyền lựa chọn áp dụng hoặc không áp dụng thực hiện liên thông các TTHC”. Về điều này, ông Lê Quý Đôn, Trưởng phòng Kiểm soát TTHC, Sở Tư pháp, nhìn nhận: “Nguyên tắc liên thông không bắt buộc này chi phối toàn bộ quy trình giải quyết TTHC. Theo đó, người dân có thể chọn giải quyết 1 TTHC, 2 TTHC hoặc chọn “3 trong 1” cũng được, vì đây là quyền của công dân, đảm bảo tính dân chủ. Chính vì nguyên tắc này, đã xảy ra tình trạng chính quyền các địa phương có nơi thực hiện, có nơi không thực hiện liên thông cũng không sao, với lý do “người dân không yêu cầu”, khiến việc theo dõi việc triển khai thực hiện Đề án rất khó. Để Đề án này phát huy hiệu quả, thiết nghĩ, cần bổ sung các quy định về tổ chức thực hiện chặt chẽ hơn, giúp việc quản lý triển khai Đề án tốt hơn”.
KIM CHI