Hạ tầng giao thông Vĩnh Thạnh vẫn ngổn ngang sau lũ
Trận lũ diễn ra vào đầu tháng 11 đã để lại những hậu quả nặng nề tại các công trình hạ tầng giao thông ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh. Mặc dù sau lũ, huyện Vĩnh Thạnh đã tập trung tu sửa, khắc phục, song đến nay phần lớn hệ thống giao thông nơi đây vẫn còn ngổn ngang, gây nhiều khó khăn trong việc đi lại, lao động sản xuất.
Đoạn đường tại làng K7 bị đứt gãy hoàn toàn
Đã một tuần trôi qua, nhưng xã Vĩnh Kim vẫn gần như bị cô lập. Tuyến đường ven hồ Định Bình đi xuống trung tâm huyện bị sạt lở và đứt gãy nhiều đoạn. Tuyến đường đèo lên Vĩnh Sơn cũng bị sạt lở với nhiều tảng đá to chắn ngang đường, xe cộ không lưu thông được. Việc vận chuyển lương thực, hàng hóa, đi lại sản xuất của hơn 500 hộ dân ở đây hầu như bị đình trệ. Ông Trần Anh, một người dân ở làng K6, xã Vĩnh Kim cho biết: “Tất cả các tuyến đường đến Vĩnh Kim đều không đi được, vì vậy bà con chúng tôi cũng rất khó khăn trong việc đi lại và vận chuyển lương thực, thực phẩm. Tất cả hàng hóa ra vào Vĩnh Kim đều phải “tăng bo” qua nhiều đoạn, vì vậy mà chi phí cũng đội lên”.
Còn ông Phạm Văn Long - Người dân ở làng O5, xã Vĩnh Kim mong muốn: “Nhà nước cần nhanh chóng đầu tư sửa chữa đường để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, làm ăn, nhanh chóng ổn định cuộc sống”.
Tại làng K7, mưa lũ đã cuốn trôi cống qua đường, nước lũ đã làm đứt gãy 7m đường bê tông. Tại đèo Vĩnh Sơn, đã có 5 đoạn sạt lở ta luy dương, hàng chục khối đá lớn chắn ngang đường. Tại làng Đăk Tra, trên 80m đường bị bồi lấp với gần 500 khối đất đá.
Đèo Vĩnh Sơn bị đất đá vùi lấp nhiều đoạn không qua lại được
Hiện nay công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại các công trình hạ tầng trên địa bàn Vĩnh Thạnh đang gặp nhiều khó khăn. Bởi nguồn ngân sách của huyện hạn hẹp, trong khi đó việc huy động nội lực trong nhân dân sau mưa lũ là rất khó khăn, vì phần lớn bà con đều bị thiệt hại khá nặng nề về sản xuất, đời sống. Ông Đinh Khư – Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim cho biết: “Do tuyến đường ven hồ bị hư hỏng tại làng K7 và tuyến đường đèo tại vĩnh Sơn bị đá lấp nên giao thông ở đây bị đứt hoàn toàn. Việc đi lại, vận chuyển bằng xe máy cũng đã hết sức khó khăn. Hiện tại xã đã nhờ Cty Thủy điện Vĩnh Sơn san gạt khai thông được tuyến đường lên làng Đăk Tra, còn các điểm sạt lở khác thì chờ huyện hỗ trợ”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Đẩu - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết: Trước mắt huyện chỉ đạo các xã, thị trấn huy động nhân dân ra quân sửa chữa các tuyến đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương thủy lợi nội đồng để kịp thời khôi phục sản xuất vụ đông xuân. Mới đây UBND huyện cũng đã làm việc với các Công ty thủy điện trên địa bàn huyện huy động lực lượng xe, máy để khôi phục các tuyến giao thông bị đất đá bồi lấp. Riêng các đoạn đường bị đứt gãy và tuyến đường đèo Vĩnh Sơn phải mất nhiều thời gian và kinh phí mới có thể khôi phục lại được”.
Khắc phục, sửa chữa kịp thời các công trình hạ tầng sau mưa lũ là hết sức cần thiết nhằm ổn định cuộc sống, lao động sản xuất của nhân dân. Với huyện miền núi Vĩnh Thạnh nơi thường bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ gây ra thì việc khắc phục hậu quả lại càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
XUÂN DŨNG