Từ đôi bàn tay khéo léo của cha ông
Những năm gần đây, một số công cụ sản xuất từng rất phổ biến không còn hiện diện trong đời sống thường nhật nữa. Trong một chuyến đi công tác nhằm khảo sát và sưu tầm hiện vật về các loại công cụ sản xuất truyền thống, tôi tình cờ gặp lại một số công cụ sản xuất đang trên đà biến mất, gồm: Chiếc che ép mía bằng gỗ, chiếc cối xay lúa làm bằng tre và đất nện…
Ảnh 1
1.
Chừng hơn 30 năm trước, việc sản xuất đường mía chủ yếu được làm từ những cỗ máy che ép mía bằng gỗ thô sơ. Nói là thô sơ nhưng để làm ra được nó thì đòi hỏi những người thợ phải có tay nghề rất cao. Che ép mía thường có hai loại. Một loại có 2 trục và một loại có 3 trục. Loại 3 trục phổ biến hơn; bộ che loại này gồm một ống che đực và hai ống che cái, máng mâm, khẩu, trụ, dây nài và đòn gánh (ảnh 1). Phần trên của che đục đẽo thành những khớp răng gọi là tai che (nhông) để bám vào xoay tròn. Để đục đẽo ra bộ nhông thật khớp đòi hỏi người thợ có tay nghề cao, làm ròng rã cả mấy tháng trời. Hai ống che cái gồm một ống che cây và ống che bã. Gỗ để làm che ép mía phải là những loại gỗ tốt, cứng và bền, thường thì thợ hay dùng gỗ cây xay. Việc vận hành cỗ máy thủ công này chủ yếu dùng sức trâu, bò, bất đắc dĩ lắm mới dùng đến sức người.
Ngày trước, ở Bình Định, lò ép mía, nấu đường khá phổ biến, nhưng nhiều nhất là ở huyện Tây Sơn. Đây cũng chính là địa bàn mà tôi may mắn bắt gặp được một chiếc che ép mía được làm hoàn toàn bằng gỗ, tuy nhiên nó đang bị mối mọt xâm hại dần.
Ảnh 2
2.
Khi những cỗ máy xay xát cơ khí chưa xuất hiện hoặc còn lẻ tẻ thì những chiếc cối xay lúa thủ công (ảnh 2) chính là công cụ hữu hiệu nhất của nhà nông trong việc xay lúa thành gạo. Khi đó, người ta phải bỏ ra một số tiền không hề nhỏ để mướn những ông thợ cả lành nghề để làm ra những chiếc cối hữu ích này. Có những nơi ít thợ thì phải đặt cọc trước cả tháng trời, thậm chí phải bỏ tiền ra nuôi thợ tại nhà hàng tuần lễ để thợ tập trung làm cối. Những chiếc cối xay này mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều so với việc giã thủ công bằng cối. Để làm ra những chiếc cối xay lúa này, đầu tiên người ta phải chọn tre thật tốt để đan các chiếc dừng bên ngoài, sau đó người ta sẽ chọn một loại đất sét làm kỹ để lèn vào trong lòng cối. Việc tạo bề mặt tiếp xúc giữa thớt trên và thớt dưới của cối (bề mặt nghiền) là rất quan trọng và đòi hỏi phải có kỹ thuật cao. Việc căn chỉnh trọng lượng thớt trên của cối quyết định sự thành công của việc nghiền xát vỏ lúa mà không làm nát hạt gạo bên trong, để làm được phần này lại cần đến kinh nghiệm và khả năng ước tính chính xác của người thợ. Việc sáng chế ra cối xay lúa thủ công còn góp phần giảm nhẹ sức lực của người sử dụng so với cối giã.
***
Những năm gần đây Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã và đang thực hiện các chương trình sưu tầm và trưng bày về các công cụ sản xuất truyền thống, nhằm lưu giữ những nét văn hóa sản xuất truyền thống, cũng như để các thế hệ trẻ có thể hình dung được các công cụ sản xuất vang bóng một thời của cha ông thuở trước. Việc giới thiệu che ép mía bằng gỗ, chiếc cối xay lúa làm bằng tre và đất nện hy vọng sẽ giúp các bạn trẻ hình dung và cảm nhận được một phần cuộc sống, lao động của thế hệ cha ông.
NGUYÊN VIỆT