Chủ động phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ
Nhiều địa phương trong tỉnh vừa trải qua một đợt mưa lũ lớn. Mưa vừa ngớt, nước rút đi cũng là lúc ngành Y tế khẩn trương vào cuộc để triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh.
Đảm bảo nguồn nước sạch
Sau mưa lũ, căn nhà của bà Nguyễn Thị Sen (51 tuổi, ở khu vực 3, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) gần như tan hoang, lúc đỉnh điểm nước ngập gần 1,5m. “Lũ về nhanh quá, mình trở tay không kịp nên đồ đạc ướt hết. Lứa cá trê nuôi chuẩn bị xuất bán cũng tuồn theo lũ đi sạch, mất trắng rồi. Bây giờ nước cũng không có mà uống, vì nước giếng đục và bẩn lắm. Nói gì thì nói, phải có nước để uống rồi tính tiếp”, bà Sen chia sẻ.
Đoàn công tác của Sở Y tế giám sát hoạt động xử lý môi trường sau mưa lũ ở huyện Hoài Ân.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong đợt mưa lũ vừa qua, toàn tỉnh có đến 1.450 giếng nước bị ngập. Nhanh chóng xử lý nguồn nước để đảm bảo cho người dân có nước sạch sử dụng là nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành Y tế. Khi nước vừa rút, Sở Y tế đã tổ chức các đoàn công tác để tiến hành kiểm tra, giám sát việc khắc phục hậu quả mưa lũ và công tác xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng.
Tại huyện Hoài Nhơn, trong những ngày mưa lũ có 5 xã bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Hoài Mỹ, Hoài Thanh Tây, Hoài Hương và Hoài Thanh. Đội Y tế dự phòng huyện đã khẩn trương triển khai công tác xử lý môi trường, cấp 50.000 viên khử khuẩn làm sạch nước Aquatabs cùng một lượng lớn bột Cloramin B giúp dân kịp thời xử lý sạch nguồn nước.
Trong khi đó, huyện Hoài Ân cũng cấp bổ sung 1.100 viên và 60kg bột Cloramin B cho 5 xã bị thiệt hại nặng (Ân Nghĩa, Ân Tường Đông, Ân Tường Tây, Ân Đức và Ân Hữu) để đảm bảo việc xử lý nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Đoàn công tác của Sở Y tế đã trực tiếp đến các hộ gia đình bị đất núi sạt lở, vùi lấp tại xã Ân Nghĩa để giám sát việc xử lý nguồn nước.
Cảnh giác với sốt xuất huyết
Lũ vừa qua, nắng lại lên là thời điểm rất thuận lợi để bọ gậy sinh sôi, làm nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết (SXH) tăng cao. Do đó, Sở Y tế đã yêu cầu các trạm y tế tiếp tục triển khai công tác vệ sinh môi trường sau mưa lũ theo phương châm “nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó”, đặc biệt phải lưu ý kết hợp vệ sinh môi trường sau mưa lũ và phòng chống dịch bệnh SXH vì đã phát hiện nhiều ổ bọ gậy tại các cơ sở, hộ gia đình được giám sát. TTYT các huyện, thị xã, thành phố phải phân công các tổ y tế dự phòng về các xã để giám sát, hỗ trợ trạm y tế, nhất là các địa bàn trọng điểm.
Để ổn định đời sống nhân dân vùng lũ, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Chính phủ xuất cấp cho Bình Định 100 cơ số thuốc phòng chống lụt bão; 500 ngàn viên Cloramin B, 1 tấn bột Cloramin B để khử trùng nước sinh hoạt; 500 ngàn viên khử khuẩn Aquatabs để phòng tránh dịch bệnh.
Sáng 4.11, chúng tôi theo chân chị Phan Thị Liên, nhân viên y tế thôn Lộc Hạ (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) đi đến các gia đình bị ngập nặng. Chị nhắc nhở người dân dọn dẹp nhà cửa, chú ý không để nước đọng trong các vật dụng của gia đình. Miệng nói tay làm, chị lôi một lu nước đóng rêu trong góc nhà ra, nhanh chóng cọ rửa để loại trừ ổ bọ gậy.
Theo Giám đốc TTYT Dự phòng tỉnh Bùi Ngọc Lân, có nhiều nguyên nhân khiến tình hình SXH trên địa bàn tỉnh trong 2 tháng cuối năm sẽ diễn biến phức tạp với số mắc và số ổ dịch tăng cao. Hiện nay, tình hình dịch ở các tỉnh trong khu vực đang tăng, Bình Định có số trường hợp mắc bệnh nhiều đứng thứ 2 toàn khu vực (sau Khánh Hòa). Số ca mắc SXH năm 2016 ở mức cao hơn so với cùng kỳ 2015, luôn cao hơn mức trung bình 5 năm qua; đồng thời 2016 cũng là năm rơi vào chu kỳ dịch SXH.
“Ý thức phòng chống dịch SXH của cộng đồng còn hạn chế nên chỉ số côn trùng luôn ở mức cao. Thêm vào đó, Bình Định đang bước vào mùa mưa, độ ẩm không khí cao sẽ là môi trường thuận lợi cho bọ gậy, muỗi truyền bệnh SXH phát triển. Do đó, công tác phòng chống SXH càng phải được quan tâm hơn” - thạc sĩ Lân nhấn mạnh.
NGUYỄN VĂN TRANG