Trộm cắp điện: Chế tài chưa đủ sức răn đe
Theo Điện lực Bình Định, từ đầu năm 2016 đến ngày 8.11, qua kiểm tra khách hàng sử dụng điện, ngành đã phát hiện 31 vụ trộm cắp điện, truy thu 82.600 kWh điện. So với cùng kỳ năm ngoái, số vụ vi phạm bằng nhau nhưng số lượng điện bị mất tăng 19.000 kWh. Ông Nguyễn Văn Ái, Trưởng phòng Kiểm tra giám sát mua bán điện - Công ty Điện lực Bình Định, cho biết việc phát hiện dựa vào chương trình kiểm tra sử dụng điện, giám sát mua bán điện trên máy tính và theo dõi sự bất thường trong tiêu thụ điện của khách hàng, tỉ lệ tổn thất điện năng tại các trạm biến áp.
Tiến hành lập biên bản một trường hợp trộm cắp điện bị phát hiện. (Ảnh Điện lực Bình Định cung cấp)
Hoài Nhơn là nơi xảy ra nhiều vụ nhất (9 vụ), tiếp đến là Phù Cát (5 vụ), Tuy Phước và Tây Sơn mỗi nơi 4 vụ. Đối tượng trộm cắp là khách hàng sử dụng điện, chủ yếu thực hiện các phương thức: phá niêm chì, hoán đổi sơ đồ đấu dây để công tơ không hoạt động, dùng dây điện nối vòng trực tiếp giữa dây trước và dây sau công tơ làm hở cầu áp. Thậm chí, một số người còn liều lĩnh câu móc trực tiếp vào lưới điện 0,2 Kv, không những gây chập, nổ đường dây điện bất cứ lúc nào mà còn có thể nguy hiểm tính mạng.
Mới đây nhất, ngày 7.11, Điện lực Bồng Sơn phát hiện hộ ông Trần Văn Súng (ở thôn Ngọc Sơn Nam, xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn) đã câu móc điện trực tiếp đường dây 0,2 kV trong một năm qua (từ ngày 8.11.2015 đến ngày 7.11.2016). Ngoài câu trộm điện sinh hoạt gia đình, ông Súng còn câu thắp 25 bóng đèn “thắp sáng đường quê” mà người dân trong xóm góp tiền lại đưa cho ông Súng trả tiền điện lâu nay.
Ông Hồ Quang Thịnh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định, cho biết: Thời gian qua, dù ngành điện đã sử dụng nhiều biện pháp phát hiện, ngăn chặn tình trạng trộm cắp điện, nhưng nhìn chung hiệu quả vẫn chưa cao. Nhiều trường hợp có người thân, người quen đã học hoặc làm việc trong ngành điện biết cách thức thực hiện hành vi gian lận và đối phó nên rất khó phát hiện, bắt quả tang. Ngoài ra, hình thức truy thu sản lượng điện bị mất trộm và xử phạt bằng tiền hiện nay (thấp nhất 2 triệu đồng, cao nhất 50 triệu đồng) chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm. Riêng hành vi trộm cắp trên 20.000 kWh có thể bị xử lý hình sự nhưng việc thực hiện các khâu giám định tư pháp, xác định thời gian, số lượng điện năng còn khó khăn. “Nên chăng cần áp dụng thêm các hình thức phạt bổ sung như gửi tên người vi phạm về chính quyền địa phương hoặc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng như đối với người vi phạm Luật Giao thông đường bộ”, ông Thịnh nói.
Vì vậy theo ông Thịnh, để ngăn chặn các hành vi trộm cắp ngành Điện lực rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền, hội, đoàn thể trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thời gian tới, Điện lực Bình Định sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân không tiếp tay cho các hành vi trộm cắp điện, kịp thời phát hiện và tố giác các trường hợp vi phạm.
PHÚC LỘC