Vĩnh Thạnh: Dồn sức khắc phục hậu quả mưa lũ
Tranh thủ thời tiết nắng ráo, huyện Vĩnh Thạnh đang tập trung nhân lực, vật lực khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra, sớm ổn định cuộc sống người dân.
Xe máy đào được huy động để thu dọn, sang gạt đất đá đổ xuống dọc tuyến đường ven hồ Định Bình dẫn về trung tâm xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh.
Đến nay, hậu quả mưa lũ vẫn để lại trên các triền sông, suối, đường giao thông, kênh mương nội đồng huyện Vĩnh Thạnh, với hàng loạt cây cối, hoa màu bị đổ ngã, tróc gốc; cát, đất, đá bồi lấp nặng nề. Tại 2 tuyến đường ven hồ Định Bình và đèo Vĩnh Sơn, mưa lũ gây sạt lở, đứt gãy nhiều đoạn. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, trên 2 tuyến đường này, có 10 điểm sạt lở, với khối lượng đất đá đổ xuống đường gần 25.000 m3. Còn tuyến đường ĐH33 từ trung tâm huyện đi về các thôn, xã, thị trấn trong huyện cũng bị sạt lở 12 điểm, với lượng đất đá ước hơn 30.000 m3.
Để kịp thời giải phóng lượng đất đá bồi lấp xuống 3 tuyến đường này, từ ngày 7 - 9.11, huyện Vĩnh Thạnh đã thuê một đơn vị thu gom, sang gạt đất đá, nạo vét rãnh dọc ở các điểm sạt lở taluy. Riêng ở điểm đoạn bị đứt gãy tại làng K7 cũ về trung tâm xã Vĩnh Kim, huyện yêu cầu đơn vị này đặt ống cống, đổ đất tạm cho người dân đi lại, mua bán. Còn tại đoạn đường đèo Vĩnh Kim đi Vĩnh Sơn, do khối lượng đất đá vùi lấp lên tới hàng trăm mét khối, trong đó có nhiều tảng đá lớn nặng đến 20 - 30 tấn, nên huyện Vĩnh Thạnh đã làm tờ trình đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương nổ mìn phá đá để giải phóng đường đi.
Trao đổi về những thiệt hại, khó khăn sau mưa lũ, ông Đinh Khư, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, cho biết: “Đoạn đường từ làng K7 cũ về trung tâm xã bị đứt gãy. 500 hộ dân ở các thôn O2, O3, O5, K6, Đắk Tra, Kon Trú bị chia cắt, sinh hoạt hàng ngày rất khó khăn. Thời điểm này cũng là lúc bà con đang thu hoạch các loại cây ăn quả như đu đủ, chuối, nhưng do không đi lại được, nên người dân các xã Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn đành bấm bụng bán rẻ cho thương lái”.
Đối với hệ thống kênh mương thủy lợi bị sa bồi thủy phá, huyện Vĩnh Thạnh đang chỉ đạo các địa phương huy động người dân, thanh niên xung kích khẩn trương nạo vét đất, cát bồi lấp. Riêng các đoạn kênh bị hư hỏng, huyện yêu cầu các xã và HTX nông nghiệp sớm lập phương án sửa chữa; đồng thời, tổng hợp, báo cáo cụ thể thiệt hại những công trình cần nguồn vốn duy tu, nâng cấp lớn, gửi về UBND huyện để huyện có phương án hỗ trợ khắc phục kịp thời.
Ông Lê Văn Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn huyện ước 16 tỉ đồng, trong đó thiệt hại về cơ sở hạ tầng giao thông gần 14,8 tỉ, nông nghiệp hơn 1 tỉ đồng. Huyện và các ngành chức năng đang lập biên bản các trường hợp có nhà bị sập; thống kê thiệt hại về hoa màu, thủy lợi để đề xuất kinh phí hỗ trợ.
Ông Đẩu nói thêm: “Do hệ thống đường sá bị hư hỏng khá lớn, kinh phí để khắc phục vượt khả năng của huyện nên địa phương cần sự hỗ trợ từ tỉnh để sớm có phương án duy tu, nâng cấp kịp thời các tuyến đường hư hỏng, nhằm đảm bảo việc đi lại, giao thương, vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân được thông suốt, an toàn”.
TRỌNG LỢI