Kinh doanh karaoke ở các huyện, thị xã trong tỉnh: Số lượng ít nhưng vi phạm khá nhiều
Ðáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân nhưng do nhiều đặc thù, karaoke được xếp vào nhóm loại hình kinh doanh có điều kiện. Các cơ sở kinh doanh karaoke ở các huyện, thị xã trong tỉnh hiện còn ít về số lượng, tuy nhiên tình trạng vi phạm hành chính lại khá nhiều.
Trên cơ sở Quy hoạch karaoke, vũ trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 được UBND tỉnh phê duyệt, các phòng Văn hóa - Thông tin đã tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phân bổ số lượng cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn xã, phường, thị trấn phù hợp với nhu cầu từng địa phương; đồng thời tham mưu cấp phép theo quy hoạch được phân bổ.
Một cơ sở karaoke ở thị trấn Tuy Phước (ảnh chỉ có tính chất minh họa).
Còn ít so với quy hoạch
Qua 5 năm triển khai, phần lớn các huyện có số lượng cơ sở karaoke được cấp phép, chiếm tỉ lệ chỉ xấp xỉ 50% so với quy hoạch. Hầu hết cơ sở kinh doanh karaoke tập trung ở khu vực đô thị, vùng đông dân cư, các phường nội thị và thị trấn; còn địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa hầu như chưa có gì.
“Công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh karaoke ở nhiều huyện trong tỉnh còn hạn chế. Có huyện dù cơ sở karaoke khá nhiều nhưng mỗi năm chỉ kiểm tra định kỳ 3 đợt, trong 5 năm chỉ xử phạt 10 trường hợp vi phạm hành chính - con số quá ít so với thực tế. Ðây là vấn đề cần quan tâm hơn, bởi đã có nhiều phát sinh về an ninh trật tự, một số vụ án xuất phát từ karaoke mà ra...”.
Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG, Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83), Công an tỉnh
Theo quy hoạch, huyện Hoài Nhơn được phân bổ 110 điểm kinh doanh cơ sở karaoke ở 17 xã, thị trấn. Đến cuối năm 2015, có 50 cơ sở karaoke được cấp phép hoạt động trên địa bàn huyện, tập trung nhiều ở các thị trấn Tam Quan (9 cơ sở), thị trấn Bồng Sơn (8 cơ sở). Huyện Tây Sơn được quy hoạch 75 cơ sở, đến nay đã cấp đổi giấy phép cho 33 cơ sở ở 8/15 xã, thị trấn. Huyện Tuy Phước quy hoạch 110 cơ sở, hiện có 66 cơ sở được cấp phép.
Ở khu vực các huyện miền núi trong tỉnh, Vân Canh là địa phương có ít cơ sở karaoke nhất, đến nay chỉ có 10 cơ sở (quy hoạch 35 cơ sở), phân bố ở thị trấn Vân Canh (6 cơ sở) và xã Canh Vinh (4 cơ sở). Huyện Vĩnh Thạnh chỉ có 12 cơ sở (quy hoạch 40 cơ sở) được cấp phép hoạt động. Trong tổng số 28 cơ sở kinh doanh karaoke (quy hoạch 40 cơ sở) có giấy phép trên địa bàn huyện An Lão, qua kiểm tra thực tế chỉ có 24 hộ hoạt động thường xuyên, số còn lại chủ yếu hoạt động vào dịp lễ, Tết .
Hầu hết các điểm kinh doanh karaoke ở các huyện có ít phòng nhưng điểm tích cực là mấy năm gần đây, các chủ cơ sở đã đầu tư xây dựng phòng hát, trang thiết bị khá bài bản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Anh Huỳnh Thanh Tuấn, chủ một cơ sở kinh doanh karaoke có quy mô lớn ở TP Quy Nhơn, cho biết: “Trước đây, cơ sở karaoke của tôi và một số điểm khác ở Quy Nhơn có nhiều khách ở các huyện đến hát nhưng hiện nay rất ít. Khi tìm hiểu thì được biết, các huyện đã có các cơ sở karaoke được đầu tư xây dựng bài bản hơn, thu hút nhiều người dân địa phương. Tại TX An Nhơn, có điểm karaoke được xây dựng, trang bị còn tốt hơn nhiều cơ sở ở TP Quy Nhơn”.
Vi phạm còn nhiều
Hàng năm, Thanh tra Sở VH-TT&DL (nay là Sở VH-TT) phối hợp với các ngành, địa phương kiểm tra một số cuộc, phát hiện nhắc nhở, xử phạt nhiều trường hợp vi phạm của các cơ sở kinh doanh karaoke.
Ông Bùi Xuân Lý, Chánh Thanh tra Sở VH-TT, cho biết: “Chỉ tính từ tháng 1 đến tháng 9.2016, Thanh tra Sở đã kiểm tra 12 lượt đối với 58 cơ sở kinh doanh karaoke trong tỉnh, phát hiện và nhắc nhở 24 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 13 cơ sở, với số tiền phạt 125 triệu đồng. Qua đó cho thấy, một số huyện còn lơ là, không kiểm tra trước và sau khi cấp phép, dẫn đến việc nhiều phòng hát không đáp ứng được các quy định kỹ thuật (diện tích phòng, độ kín của cửa, độ ồn...). Địa phương có mức độ vi phạm nhiều là: An Nhơn, Hoài Nhơn, Phù Mỹ... Chúng tôi đã tham mưu Sở VH-TT có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý”.
Vừa qua, Ban Văn hóa- Xã hội của HĐND tỉnh tổ chức Đoàn giám sát chuyên đề, làm việc với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, về tình hình quản lý hoạt động kinh doanh karaoke.
Ông Lê Văn Hùng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tây Sơn, cho biết: “Đội kiểm tra liên ngành 814 và 178 của huyện hàng năm tiến hành hơn 10 lượt kiểm tra thường xuyên và 4 - 6 lượt kiểm tra đột xuất. Qua đó, nhắc nhở các trường hợp vi phạm, chủ yếu là về ánh sáng trong phòng hát, hoạt động quá thời gian quy định...”. Còn Đội kiểm tra liên ngành 814 và 178 huyện Hoài Nhơn cũng kiểm tra 5 - 7 đợt mỗi năm, mỗi đợt 2-3 ngày, chủ yếu để nhắc nhở, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh theo đúng quy định.
Số đợt kiểm tra còn ít, xử phạt chưa mạnh mẽ là thực trạng chung ở nhiều địa phương trong tỉnh. Vì vậy, thống kê các trường hợp bị xử phạt ở cấp huyện trong 5 năm qua, thường chỉ đếm trên đầu ngón tay; trong khi trên thực tế, số cơ sở hoạt động vi phạm quy định còn nhiều. Chẳng hạn, ở Vân Canh, công tác kiểm tra, xử lý phần lớn chỉ tập trung vào một số cơ sở có quy mô lớn ở trung tâm huyện; các cơ sở hoạt động kinh doanh không có giấy phép chưa được xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng mua bán, chuyển nhượng giấy phép thông qua việc chuyển đổi chủ cơ sở kinh doanh, chuyển địa điểm kinh doanh...
Theo báo cáo của Công an tỉnh, đầu năm 2015 đến tháng 4.2016, lực lượng công an trên toàn tỉnh đã trực tiếp và phối hợp với ngành Văn hóa, Ðội kiểm tra liên ngành 814 và 178 kiểm tra, phát hiện 76 trường hợp vi phạm hành chính về karaoke, phạt với tổng số tiền hơn 125 triệu đồng.
HOÀI THU