Đề xuất “trao” vũ khí cho công an xã: Phải có quy trình sử dụng
Để đảm bảo hành lang pháp lý an toàn cho người sử dụng súng và an toàn tính mạng cho nhân dân, luật phải quy định rõ "Quy trình sử dụng súng"
Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đang được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV.
Dự thảo quy định các đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng gồm: Quân đội nhân dân; Dân quân tự vệ; Cảnh sát biển; Công an nhân dân; Cơ quan điều tra của VKSND tối cao; Lực lượng Cơ yếu; Kiểm lâm, Kiểm ngư; Lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan; Hải quan cửa khẩu và An ninh hàng không.
Kết thúc lớp huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng công an xã của Công an tỉnh Hải Dương (Ảnh: conganhaiduong.vn)
Báo cáo của cơ quan thẩm tra luật là Uỷ ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung Công an xã vào đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng; cũng có nhiều ý kiến không đồng tình vì cho rằng đây không phải là lực lượng Công an nhân dân chính quy.
Từ thực tế một số vụ nổ súng thời gian qua, điển hình là vụ việc ở Yên Bái, dư luận băn khoăn về việc có nên trang bị vũ khí cho lực lượng công an xã hay không? Nếu thực sự phải trang bị vũ khí cho lực lượng này, vấn đề quản lý phải được đặt ra như thế nào để tránh tình trạng sử dụng vũ khí không đúng mục đích?
Hạn chế tối đa việc sử dụng vũ khí quân dụng
Chia sẻ quan điểm của mình, Luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng việc trang bị vũ khí quân dụng cho công an xã cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ hay nói cách khác là căn cứ vào những việc mà luật cho phép hoặc buộc phải làm của Công an xã.
Theo dự thảo Luật Công an xã, chức năng và nhiệm vụ của Công an xã không mang tính cấp thiết, có nhu cầu hoặc buộc phải trang bị vũ khí quân dụng. Thực tế, việc sử dụng vũ khí quân dụng liên quan đến tính mạng và sức khoẻ với đối tượng áp dụng, vì thế đối với các đối tượng đã được luật cho phép trước đây cũng rất hạn chế sử dụng vũ khí.
Qua theo dõi thực tế, trường hợp buộc phải nổ súng tiêu diệt tội phạm chủ yếu xảy ra ở vùng biên giới hoặc vùng xa xôi hẻo lánh, với các loại đối tượng thực hiện hành vi buôn bán ma tuý với số lượng lớn, có trang bị các loại vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả quyết liệt tiêu diệt đối phương để đạt mục đích. Những tình huống này rất hiếm khi xảy ra tại địa bàn đông dân cư, hoặc có, thì do các đối tượng có chủ đích trước, nên thường vụ việc xảy ra rồi các cơ quan chức năng mới phát hiện, xử lý. Rất hiếm trường hợp đối tượng sử dụng vũ khí nóng để đối đầu với Công an xã.
Hiểu biết khác nhau dễ dẫn đến “lạm quyền”
Theo quan điểm của Luật sư Vũ Thị Thanh (Công ty Luật Intercode, Đoàn luật sư TP Hà Nội), chưa cần thiết phải trang bị vũ khí cho công an xã. Phân tích về những khó khăn nếu trao vũ khí quân dụng cho công an xã, luật sư Vũ Thị Thanh nêu rõ, thực tế, công an xã hoạt động ở địa phương và tương đối độc lập với lực lượng vũ trang. Công an xã được phân bố rộng, trải dài trên cả nước nên việc quản lý khó hơn các lực lượng vũ trang.
Bên cạnh đó, việc trang bị vũ khí quân dụng phải đi kèm với công tác đào tạo, huấn luyện, gây tốn kém trong quản lý, đào tạo và tập luyện định kỳ. Giả sử, sau khi hoàn tất quá trình đào tạo, huấn luyện, họ không làm công an xã nữa hoặc không muốn về xã làm việc, sẽ dẫn đến việc lãng phí nhân lực, thời gian và tiền bạc.
Ngoài ra, hiện nay, trình độ học vấn, chuyên môn của lực lượng công an xã ở mỗi địa phương cũng khác nhau. Theo quy định của Điều 5 Pháp lệnh Công an xã, việc tuyển chọn Công an xã được dựa trên cơ sở xem xét một số tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, sức khỏe, trình độ học vấn. Vì thế, hiểu biết về pháp luật của mỗi Công an xã là khác nhau, nên có thể dễ xảy ra những hành vi sử dụng súng không đúng mục đích hay vượt quá quyền hạn cho phép.
Phải quy định cụ thể quy trình sử dụng súng
Theo Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Hãng luật Hưng Yên, Đoàn luật sư TP Hà Nội), tuy là lực lượng bán chuyên trách, nhưng công an xã lại là lực lượng trực tiếp, đầu tiên trên địa bàn tiếp cận các đối tượng phạm tội nguy hiểm. Vì vậy cần trang bị vũ khí và công cụ hỗ trợ cho công an xã.
Tuy nhiên, để đảm bảo hành lang pháp lý an toàn cho người sử dụng súng, đồng thời đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân, luật sư Quynh đề nghị luật phải quy định rõ "Quy trình sử dụng súng", đặc biệt cần làm rõ cơ chế sử dụng súng để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người.
Luật sư Quynh đặt một tình huống giả định: Người sử dụng súng bắn người khác vì cho rằng mình đang bị đe doạ đến tính mạng trong khi thi hành công vụ. Tuy nhiên, người bị bắn lại cho rằng hành vi của họ chỉ định hù doạ. “Như vậy, trong trường hợp chỉ vì bị hù doạ nhưng chưa gây nguy hiểm đến tính mạng mà đã bắn là không ổn”, luật sư nhấn mạnh.
Theo luật sư Vũ Ngọc Chi, trong trường hợp, nếu cho phép Công an xã được trang bị vũ khí, luật cần quy định cụ thể về đối tượng, trình tự cũng như tình huống được sử dụng. Xuất phát từ thực tế, nên hạn chế mức tối đa các tình huống Công an xã được sử dụng.
Qua thực tiễn, chỉ nên cho phép công an xã sử dụng vũ khí trong trường hợp cần sự phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong tình huống có tính chất đối kháng cao khi thực hiện yêu cầu phối hợp đó. Ví như việc truy bắt đối tượng truy nã khi nhân thân tội phạm có tiền sự sử dụng súng chống trả cơ quan có thẩm quyền để thoát thân, hoặc phối hợp truy bắt nhóm tội phạm buôn bán ma tuý quy mô lớn có sử dụng vũ khí tại địa phương.
Luật sư Vũ Thị Thanh cho rằng Cơ quan soạn thảo Luật cần cân nhắc một cách toàn diện để quyết định có trang bị súng quân dụng cho nhóm đối tượng này hay không. Có thể nghiên cứu theo hướng thay vì trang bị súng quân dụng bắn đạn thật, nên chăng trang bị công cụ hỗ trợ như súng bắn đạn cao su, dùi cui điện, còng số tám... cho lực lượng công an xã.
Theo Hà Thanh/VOV.VN