Khối gỗ kỳ lạ dưới đáy giếng cổ ở Bình Định
Ở tỉnh Bình Định có hai giếng cổ mà từ bao đời nay, người dân luôn tin rằng nó gắn với những câu chuyện liên quan đến nhà Tây Sơn.
Các nhà khảo cổ tìm thấy gì tại khu vực nghi dấu tích lăng mộ vua Quang Trung Khai quật dấu tích lăng mộ vua Quang Trung Chuyện về ngôi mộ thứ phi vua Quang Trung trong rừng Cấm
Một giếng nằm trong Bảo tàng Quang Trung gắn với tuổi thơ 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ cũng như sự nghiệp lừng lẫy của nhà Tây Sơn. Giếng còn lại nằm ở thôn Xuân An, một thời nuôi sống đội quân hậu cần của nghĩa quân Tây Sơn. Chưa hết, giếng cổ này cũng là nơi khởi nguồn của nhiều mối tình đẹp…
Giếng nước ở Bảo tàng Quang Trung.
Giếng nước gắn với nhà Tây Sơn
Không chỉ có người dân địa phương, nhiều du khách đến Bảo tàng Quang Trung (ở thôn Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) đều thành kính dâng hương tại Điện thờ Tây Sơn tam kiệt, rồi ra giếng uống nước phía bên phải Điện thờ xách nước rửa mặt và cầu nguyện.
Theo ông Trần Trung Thông, cán bộ Bảo tàng Quang Trung, giếng nước cổ này cùng với cây me trong Bảo tàng Quang Trung là hai di vật trong vườn nhà của ông Hồ Phi Phúc (cha của ba anh em nhà Tây Sơn) ngày xưa còn lại. Sau khi ông Hồ Phi Phúc từ làng Phú Lạc (nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn) quê vợ sang định cư tại làng Kiên Mỹ gần bến Trường Trầu để thuận lợi cho việc buôn bán, thì có trồng cây me và đào một giếng nước ở hai bên ngôi nhà.
“Giếng nước ngày xưa được ghép bằng đá ong, không có vữa hồ, không có thành giếng, sâu khoảng 8m, đường kính gần 1m. Sau này, để bảo vệ giếng nên Ban giám đốc Bảo tàng Quang Trung mới xây thêm thành giếng và hàng rào bảo vệ như ngày nay”, ông Thông cho biết.
Theo ông Tô Đình Minh (60 tuổi, ở thôn Kiên Mỹ), người gắn bó với giếng nước từ thuở bé, bây giờ là thợ chụp ảnh ở Bảo tàng Quang Trung, ngày xưa, cả làng Kiên Mỹ chỉ có mỗi giếng nước trong Điện thờ Tây Sơn tam kiệt nên người dân gọi đó là giếng làng. Nước giếng rất trong và mát. Sau này, làng Kiên Mỹ có thêm nhiều giếng mới nhưng nhiều người vẫn thích dùng nước giếng làng. Có những năm nắng hạn, các giếng trong làng Kiên Mỹ đều khô cạn thì giếng trong điện thờ vẫn ăm ắp nước.
Cây me nằm bên cạnh giếng nước ở Bảo tàng Quang Trung.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nơi đây cũng là nơi 3 anh em nhà Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lần lượt chào đời. Đến bây giờ, người dân trong vùng còn lưu truyền những câu chuyện về tuổi thơ của 3 anh em nhà Tây Sơn gắn với giếng nước, với cây me trước sân nhà. Chuyện rằng, từ nhỏ đến lớn, ngày ngày 3 anh em nhà Tây Sơn tập võ, luyện công dưới gốc me, đến khi mệt thì sang ngồi quanh giếng nước trò chuyện.
Sau khi khởi nghiệp, cũng tại cây me, giếng nước này, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã chủ trì bao nhiêu cuộc luận bàn chuyện quốc sự cùng văn thần võ tướng. Sự nghiệp của nhà Tây Sơn hầu như gắn chặt với giếng nước, cây me trong vườn nhà ngay từ lúc dấy binh, xuyên suốt thời kỳ lịch sử lẫy lừng.
Sau khi nhà Tây Sơn mất, vua Gia Long triều Nguyễn lên cầm quyền đã thẳng tay đàn áp, tận diệt tất cả những gì liên quan đến dòng họ và vương triều Tây Sơn. Tuy nhiên, cây me và giếng nước trong vườn nhà ông Hồ Phi Phúc vẫn tồn tại. Để thể hiện lòng biết ơn vô hạn đối với nhà Tây Sơn, năm Minh Mạng thứ 3 (1823), người dân làng Kiên Mỹ đã góp công, góp của xây dựng ngôi đình làng trên nền nhà cũ của ông Hồ Phi Phúc để bí mật thờ 3 anh em nhà Tây Sơn nhưng lấy tên là đình Kiên Mỹ và gọi là thờ thành hoàng nhằm che mắt chính quyền.
Năm 1958, người dân địa phương xây dựng lại ngôi đình ngay trên nền cũ, chính thức lấy tên là Đền thờ Tây Sơn. Sau ngày đất nước thống nhất, tỉnh Nghĩa Bình (nay tách thành Bình Định và Quảng Ngãi) đã xây dựng Bảo tàng Quang Trung bên cạnh khu di tích đền thờ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những năm chiến tranh, Điện thờ Tây Sơn còn là nơi nhiều người đến tránh bom đạn, cầu mong anh linh Tây Sơn tam kiệt che chở. Vậy mà rất an toàn, không một tên lính nào dám chĩa súng bắn vào khu vực đền thờ. “Hồi ấy, cả làng hứng chịu bom đạn của quân thù, người dân sợ hãi nên lên đây tránh đạn. Chắc có lẽ quân thù biết nơi đây linh thiêng nên không bao giờ chúng dám ho he đến đây, dù chỉ là một viên đạn bắn từ xa”, ông Minh cho biết.
Từ thời Tây Sơn đến nay đã hơn 250 năm trôi qua nhưng người dân làng Kiên Mỹ vẫn gìn giữ những di tích và tôn thờ nhà Tây Sơn trong đời sống tín ngưỡng của mình. Trên mảnh đất xưa, cây me, giếng nước vẫn chan chứa biết bao hoài niệm. Đến nay, người dân vẫn còn lưu truyền các câu ca dao: “Cây me, giếng nước, sân đình/ Ơn sâu, nghĩa nặng, dân mình còn ghi”; hay câu: “Cây me cũ, bến Trầu xưa/ Dẫu không tình nghĩa cũng đón đưa trọn niềm”.
Khối gỗ kỳ lạ dưới đáy giếng cổ
Cách Bảo tàng Quang Trung chừng 50km về phía Đông, tại thôn Xuân An (xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) hiện vẫn còn một giếng cổ có niên đại nhiều thế kỷ. Giếng cổ ở thôn Xuân An nằm sát mặt đường bê tông, nhiều bậc cao niên trong thôn bảo đây là một cái giếng rất đặc biệt. Bởi giếng nước này đã được nghĩa quân Tây Sơn sử dụng.
Chính tại nơi đây, nhờ cái giếng Chăm đặc biệt này, nghĩa quân Tây Sơn đã chọn làm nơi dừng chân lâu dài trong quá trình khởi nghĩa.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, gần nơi giếng cổ tọa lạc vẫn còn các di tích như Vườn Cố, là nơi quân đội nhà Tây Sơn tạm giam những binh lính vi phạm quân luật; hoặc Bàu Voi, nơi ngày xưa có một bàu nước mà nghĩa quân Tây Sơn thường dắt voi trận ra tắm sau mỗi lần xung trận; và Gò Kho, nơi tích trữ lương thực, thực phẩm để cung ứng cho các chiến trường trong suốt cuộc khởi nghĩa của 3 anh em nhà Tây Sơn.
Dưới đáy giếng cổ ở thôn Xuân An có một khối gỗ không mục nát, hư hỏng dù ngâm trong nước nhiều thế kỷ.
Đến tận giờ, người dân Xuân An vẫn không hiểu nổi vì sao người xưa đào giếng lại lót dưới đáy 1 bộng gỗ, và cũng chẳng hiểu đó là loại gỗ gì mà có thể ngâm trong nước đã nhiều thế kỷ nay mà không mục rã. Khối gỗ hình vuông, dày chừng 1 tấc, ngang khoảng 60cm, dài khoảng 100cm.
Theo những người dân địa phương từng cảo giếng (vét đáy giếng) cho biết, trải qua hàng trăm năm ngâm mình trong nước nhưng hiện khối gỗ dưới giếng cổ ở thôn Xuân An vẫn còn nguyên lành, không có dấu hiệu mục nát, hư hỏng. Khi giở khối gỗ lên, mạch nước từ dưới đáy giếng phun lên phùn phụt.
Chị Trần Thị Minh (36 tuổi, ở thôn Xuân An) cho biết: “Nơi cái giếng cổ tọa lạc nằm cạnh đầm nước mặn Đạm Thủy, vùng sản xuất muối của xã Cát Minh, ấy vậy mà giếng này chưa bao giờ bị nhiễm mặn. Đặc biệt trong những mùa hạn hán, tất cả các giếng nước trong vùng đều cạn kiệt, hoặc nhiễm phèn, nhiễm mặn, thì riêng giếng này vẫn ổn định mực nước, trong vắt, ngọt lịm”.
Tiến sĩ Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định cho biết: “Giếng cổ ở thôn Xuân An có từ thời Chăm. Bởi nhìn từ miệng xuống dưới đáy là một khối vuông chứ không phải là hình tròn như mọi giếng ở nông thôn hiện đang sử dụng. Từ khi khai sinh lập nghiệp, người Việt đã thấy có giếng này, hơn nữa trước đây vùng đất này một thời trong lịch sử là của cư dân Chăm sinh sống, từ đó dân gian cho rằng giếng loại này là giếng Chăm”.
Chuyện tình bên giếng cổ
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, do giếng cổ không bao giờ cạn nước, nước giếng lại ngọt, nên có đến hàng ngàn hộ dân sống quanh vùng lấy nguồn nước của giếng cổ này làm nước sinh hoạt cho gia đình. Ngày ngày, hàng trăm thanh niên, thôn nữ, không chỉ của thôn Xuân An mà cả ở những làng lân cận quang gánh dập dìu tập trung về giếng này lấy nước. Nam thanh nữ tú gặp nhau, mắt liếc đưa tình, thế là nảy sinh những chuyện tình đẹp.
Đến giờ, ông Đặng Xuân Thanh (63 tuổi, ở thôn Xuân An) vẫn còn nhớ như in mối tình đầu của mình với bà Trịnh Thị Kim Kha, và giờ đã trở thành người vợ gắn bó keo sơn suốt mấy chục năm qua của ông.
Ông Thanh kể: “Sở dĩ tôi để ý đến bà ấy là vì thấy ngày nào bà ấy cũng đến giếng gánh nước, có ngày gánh đến dăm bận. Dù đã để ý, nhưng hồi ấy không ai dám nói lời nào, mà chỉ dám nhìn lén. Mãi sau này tôi mới thú thiệt là gia đình tôi không dùng nhiều nước vậy đâu. Thấy trong lu còn nước là tôi xài bừa bãi cho hết để đi gánh nước, kiếm cớ để được nhìn thấy bà ấy. Vậy là chúng tôi thương nhau, cưới nhau, ở với nhau mãi đến tận giờ”.
Ông Trần Văn Ngẫu (85 tuổi, ở thôn Thái Bình, xã Cát Tài) móm mém kể lại câu chuyện của mình: “Hồi xưa, tôi làm nghề đánh tranh (cắt cây tranh trên núi về làm lá lợp nhà) cho người dân ở khu này. Có bận đi ngang qua giếng lúc trưa nắng, thấy cô gái đi gánh nước, tôi ghé lại xin nước uống, rồi trò chuyện mới biết đó là cô Thảo người ở địa phương. Từ nhỏ đến lúc đó, tôi chưa bao giờ uống được nước giếng nào mà ngọt mát như vậy. Uống mấy dạo như vậy thì tôi với Thảo thành vợ thành chồng, sống với nhau đến tận bây giờ. Có mấy ông bạn làm nghề đánh tranh như tôi cũng tìm được vợ nhờ cái giếng này”.
Ông Thanh kể về chuyện tình của mình bên giếng cổ.
Theo ông Thanh, nước của giếng cổ này dùng để nấu rượu thì rượu ngon chẳng thua gì rượu Bàu Đá ở xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), một thương hiệu rượu nổi tiếng khắp cả nước. “Sở dĩ rượu Bàu Đá ngon có tiếng là do người ta múc nước trong 1 cái bàu nằm giữa cánh đồng, dưới đáy bàu có nhiều tảng đá Chăm, múc nước bàu này về nấu rượu rất ngon. Cái giếng này cũng xây từ nhiều tảng đá Chăm nên hậu vị ngọt rất dễ uống”, ông Thanh cho biết
Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, khi nhà nhà đã có giếng đóng, giếng khoan thì giếng cổ ở Xuân An không còn được sử dụng như trước. Giếng cổ bây giờ cỏ hoang mọc dày, bên cạnh con đường bê tông mới làm. Mặt giếng được đậy một tấm lưới B40, nhằm để người đi đường không bị lỡ chân rớt xuống.
“Giờ nhà ai cũng có giếng, có điện, có nước sẵn trong nhà, nhưng với tôi và dân làng quanh đây, nước giếng cổ vẫn là ngon nhất. Giờ giếng cổ nằm hoang vu, chẳng mấy chốc sẽ bị thời gian vùi lấp, tôi thấy tiếc đứt ruột. Giá mà nó được người ta trùng tu, tôn tạo lại cho đẹp đẽ, khang trang thì quý biết mấy. Dù gì, nó cũng là di sản quý mà thời cha ông để lại”, ông Thanh tiếc rẻ.
Tiến sĩ Đinh Bá Hòa cho biết: “Để bảo tồn giếng cổ ở thôn Xuân An, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đã tiến hành khảo sát, lập bản đồ số về hệ thống các di tích cần được bảo vệ. Đây là cơ sở pháp lý nhằm quản lý tốt hơn di tích này, để thế hệ mai sau còn được nhìn thấy và tiếp tục nghiên cứu về di tích giếng cổ đã tồn tại hàng trăm năm của người Chăm pa xưa”.
Theo Phan Nhuận Phin (CAND/NLĐ)