Khoán xe công!
Lâu nay, khi nói tới việc quản lý, sử dụng tài sản công thường làm mọi người liên tưởng đến chuyện sử dụng lãng phí, tùy tiện, thiếu trách nhiệm mà theo cách nói dân gian là… “xài của chùa”. Đây cũng là thực tế đã và đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực, từ xe công cho đến nhà công vụ và nhiều thứ khác nữa, đòi hỏi cơ quan quản lý phải có sự chấn chỉnh kịp thời.
Một trong những tài sản công được sử dụng nhiều và… “mang tiếng” cũng nhiều là việc sử dụng xe công. Chuyện sử dụng lãng phí, không đúng tiêu chuẩn, dùng xe công cho chuyện tư… không chỉ tốn nhiều giấy mực của truyền thông mà còn là chuyện đàm tiếu của dư luận xã hội.
Thực tế cho thấy, mặc dù hầu như địa phương, cơ quan nào cũng đều có quy định về việc sử dụng xe công, nhưng tình trạng lãng phí vẫn cứ diễn ra bằng nhiều hình thức. Theo thống kê của Bộ Tài chính, số lượng xe công của cả nước hiện lên tới 40.000 chiếc, trung bình mỗi năm tiêu tốn khoảng 320 triệu đồng/xe, bao gồm cả chi phí trả lương lái xe, chi phí xăng dầu, hao mòn, sửa chữa … Tính ra mỗi năm 40.000 chiếc xe công nói trên tiêu tốn của ngân sách ngót nghét gần 13 ngàn tỉ đồng.
Gần đây, câu chuyện tiết kiệm trong sử dụng xe công đã thu hút sự chú ý của dư luận khi từ tháng 10 vừa qua, Bộ Tài chính áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công từ nhà đến cơ quan cho thứ trưởng và các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ tương đương. Việc làm này đã được dư luận lên tiếng ủng hộ, nhưng nhiều ý kiến cho rằng việc khoán như vậy vẫn chưa triệt để, hiệu quả cũng hết sức hạn chế vì mục tiêu chính là giảm bớt đầu xe, lái xe vẫn chưa đạt được. Do đó, để việc khoán kinh phí sử dụng xe công thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, vấn đề đặt ra là cần có cơ chế quản lý hết sức cụ thể, rõ ràng, minh bạch; đồng thời việc thực hiện phải hết sức kiên quyết, triệt để và không có ngoại lệ.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trong đó, chỉ thị nhấn mạnh việc giao cho Bộ Tài chính khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe công phù hợp cho từng nhóm chức danh có tiêu chuẩn sử dụng và định mức xe công phục vụ công tác chung; phấn đấu đến năm 2020 giảm từ 30 - 50% số lượng xe công (trừ các đơn vị thuộc địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn); đồng thời xác định lộ trình thực hiện chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công áp dụng đối với chức danh thứ trưởng và tương đương…
Hy vọng rằng, trong thời gian tới việc thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng sẽ được các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tuân thủ hết sức nghiêm túc, triệt để. Làm được như vậy thì câu chuyện lãng phí từ xe công sẽ được… “hóa giải”.
H.Đ