Chủ động hội nhập
Cho đến thời điểm này, nước ta đã thiết lập quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 160 nước và 70 vùng lãnh thổ, là thành viên của hầu hết các tổ chức khu vực và quốc tế quan trọng. Quan hệ kinh tế - thương mại giữa nước ta với các nước ngày càng đi vào chiều sâu, không chỉ mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa mà còn thu hút được khối lượng vốn đầu tư, tri thức, công nghệ, đẩy mạnh tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế có hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta trong thời gian qua vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước. Trong tiến trình thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế chưa chủ động tận dụng tốt các cơ hội, khả năng ứng phó với thách thức và tác động tiêu cực từ bên ngoài vào còn nhiều hạn chế.
Để khắc phục các hạn chế và tạo sự chuyển biến tích cực hơn trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế, ngày 5.11, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Theo đó, một trong những mục tiêu quan trọng được đề ra là thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường khả năng tự chủ của nền kinh tế, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp (DN) và trình độ phát triển của nền kinh tế, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững…
Thời gian qua, năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam đã được cải thiện. Thị trường tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN là một công việc không đơn giản. Thực tế cho thấy, sức cạnh tranh của DN Việt Nam trên thị trường thế giới chưa được cải thiện đáng kể. Vì vậy, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của DN là nội dung quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Có thể nói, hiện nay nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới trong hội nhập kinh tế quốc tế. Việc thực hiện các hiệp định thương mại thế hệ mới sẽ đưa nền kinh tế nước ta hội nhập sâu, rộng hơn với thế giới. Việt Nam sẽ mở cửa thị trường rộng hơn, sức ép cạnh tranh trên “sân nhà” sẽ lớn hơn nhiều đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực “vượt lên chính mình” để khắc phục các mặt hạn chế yếu kém, có giải pháp tận dụng tốt mọi cơ hội có được để mang lại lợi ích cao nhất. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trên mọi lĩnh vực phải được thực hiện đồng bộ trong một chiến lược tổng thể, có lộ trình và bước đi phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực của từng lĩnh vực, ngành nghề, từng DN, từng địa phương và của cả nước. Trong đó cần đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, của DN và sản phẩm thương hiệu Việt Nam...
Để Nghị quyết 06 của Đảng sớm đi vào thực tế cuộc sống, các địa phương, đơn vị cần quyết liệt trong việc đổi mới tư duy hội nhập quốc tế, xác định đây là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị; cần triển khai mạnh định hướng chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của mọi ngành, mọi cấp. Các địa phương, đơn vị, DN cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa của địa phương, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu; đa dạng hóa thị trường, đối tác, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, xuất khẩu lao động, du lịch… Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tư tưởng nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là của các DN, doanh nhân về hội nhập quốc tế, tạo sự đồng thuận cao của toàn xã hội đối với tiến trình hội nhập và phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
HẢI ÐĂNG