Thị trấn Vĩnh Thạnh: Sôi nổi phong trào bóng chuyền
Nhiều năm qua, phong trào TDTT ở thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh) được duy trì ổn định. Riêng vài năm gần đây, số người chơi bóng chuyền tăng đột biến, tạo thành phong trào khá sôi nổi ở nhiều cơ quan, đơn vị.
Nhu cầu chơi bóng chuyền ở thị trấn Vĩnh Thạnh ngày càng cao nên đã có dịch vụ cho thuê sân bóng.
- Trong ảnh: Một nhóm học sinh thuê sân bóng ở thôn Định An để tập luyện bóng chuyền.
Ngày càng nhiều người tập TDTT
Thị trấn Vĩnh Thạnh có hơn 1.600 hộ với khoảng hơn 7.000 dân. Huyện miền núi còn nhiều khó khăn này có khá ít công trình phục vụ tập luyện TDTT và thị trấn Vĩnh Thạnh cũng không phải ngoại lệ. Có lợi thế ở trung tâm hành chính của huyện, người dân thị trấn được “hưởng lợi” chút ít từ công trình nhà thi đấu đa năng huyện (chủ yếu để tập luyện môn cầu lông). Thị trấn đã được quy hoạch khu đất để xây dựng sân vận động ở khu vực giáp ranh giữa thôn Định Tân và thôn Định Thiền. Tuy nhiên, huyện chưa có kinh phí xây dựng nên công trình này vẫn chưa thể thành hiện thực. Có khoảng đất trống nhưng khu vực này ở gần chợ Định Bình, không có người trông coi thường xuyên nên nhiều người thiếu ý thức tận dụng đổ rác thải gây ô nhiễm. Do đó, địa điểm này không được người dân chọn để tổ chức các hoạt động TDTT. Hạng mục thể thao được xây dựng theo chủ trương xã hội hóa đáng kể nhất là sân bóng đá mini cỏ nhân tạo Hồng Hưng.
Thiếu thốn sân bãi nhưng thị trấn Vĩnh Thạnh vẫn thường xuyên tham gia các giải đấu cấp huyện; bên cạnh đó, duy trì tổ chức nhiều giải đấu nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, trong đó 2 môn bóng chuyền và cầu lông được tổ chức nhiều nhất. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn thị trấn cũng thường tổ chức giải thể thao.
Nhờ duy trì được phong trào tốt, tại Đại hội TDTT huyện Vĩnh Thạnh năm 2013 đoàn thể thao thị trấn Vĩnh Thạnh đoạt giải Nhì toàn đoàn. Ở kỳ Đại hội trước đó diễn ra năm 2009, thị trấn Vĩnh Thạnh đoạt giải Nhất toàn đoàn. Không chỉ ở những thôn có người Kinh phong trào thể thao mới phát triển, tại hai làng Hà Rơn và làng Klotpok cũng có nhiều thanh niên tham gia tập luyện các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền. Trong đó, các cầu thủ Đinh Ngươl và Đinh Văn Ngá (ở làng Hà Rơn) trước đây đều là những trụ cột của đội tuyển bóng đá Vĩnh Thạnh, thi đấu khá nổi bật ở Ngày hội VHTT các huyện miền núi toàn tỉnh. VĐV Đinh Thị Thống (ở làng Klotpok) từng được gọi vào đội tuyển bắn nỏ tỉnh, thi đấu thành công ở nhiều giải vô địch bắn nỏ quốc gia.
Từ nhiều năm qua, những tuyến đường trung tâm thị trấn được quy hoạch, xây dựng khang trang, có vỉa hè rộng, thoáng, phong trào đi bộ tập thể dục vào buổi sáng và xế chiều ngày càng phát triển. Số lượng người tham gia, đặc biệt ở lứa tuổi trung niên ngày càng đông.
Hào hứng với bóng chuyền
Gặp trung úy cảnh sát giao thông Phan Huỳnh Nhân, Công an huyện Vĩnh Thạnh, sau khi anh vừa hoàn thành ca trực lúc chiều muộn, uống vội ly nước, chiến sĩ trẻ này xin phép về trước để chơi bóng cùng anh em cùng cơ quan. “Đã thành thông lệ, vào giờ tan tầm, anh em trong cơ quan thường xuyên đánh bóng chuyền ngay tại trụ sở đơn vị. Số lượng cán bộ, chiến sĩ tham gia khá đông, nên ai cũng tranh thủ ra sân sớm để tranh… “suất chính thức”, nếu không phải chờ khá lâu. Cũng nhờ tập luyện thường xuyên mà chúng tôi luôn có sẵn lực lượng giao lưu, tham gia các giải đấu do ngành và do huyện tổ chức” - Huỳnh Nhân tâm sự.
Phong trào bóng chuyền phát triển mạnh, nhiều người chơi, nhưng lượng sân không đủ đáp ứng. Vậy nên đã có người đầu tư xây dựng sân cho thuê. Đó là anh Trần Quốc Quang, ở thôn Định An. Là người có máu kinh doanh, sau khi mở quán cà phê giải khát “Hình Như Là”, còn mảnh đất bên cạnh, anh Quang tìm hướng tận dụng để mở rộng kinh doanh. “Ban đầu, tôi định làm sân bóng đá cỏ nhân tạo, nhưng sau khi khảo sát, thấy phong trào bóng chuyền phát triển mạnh, nhiều người có nhu cầu chơi bóng mà không có sân, nên tôi mạnh dạn đầu tư sân cho thuê” - anh Quang chia sẻ.
Nghĩ sao làm vậy, anh Quang đổ đất xây 2 sân với diện tích đúng chuẩn, quanh sân có lưới bao bọc, đỡ tốn công chạy đi lấy bóng. Anh Quang còn làm hệ thống đèn pha chiếu sáng để phục vụ vào buổi tối. Người chơi bóng chuyền chỉ việc xách giày đến là được phục vụ chu đáo. Ngay khu vực sân có phòng thay đồ; bóng, lưới thì chủ sân trang bị sẵn, thêm xô trà đá để cả đội uống khi thấm mệt. Giá thuê cũng nhẹ nhàng, nên từ khoảng 15 giờ chiều trở đi, đã có người đến tập.
Đến sân bóng này lúc giữa buổi chiều một ngày đầu tháng 11, chúng tôi thấy một nhóm học sinh hăng say tập luyện. Hỏi ra thì được biết, đây là học sinh Trường THPT Vĩnh Thạnh, tranh thủ thời gian nghỉ, đi tập để thi đấu giải truyền thống do trường tổ chức nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam. Khoảng 17 giờ chiều, khi nhóm học sinh này chuẩn bị rời sân, lại có một tốp gần chục chị em đến “tiếp quản” để tập…
Thị trấn Vĩnh Thạnh có 5 thôn, 2 làng thì cả 7 đều có sân bóng chuyền; nhiều cơ quan, trường học cũng có sân bóng chuyền. Ước tính trên địa bàn thị trấn có trên dưới 30 sân. Ông Nguyễn Thái Hùng, cán bộ văn hóa - TDTT thị trấn Vĩnh Thạnh, cho biết: “Bóng chuyền đang là môn thể thao thu hút nhiều đối tượng chơi nhất, cả phụ nữ, thanh thiếu niên, người trung niên, cán bộ… đều dành thời lượng nhất định trong ngày để chơi bóng. Nhiều đơn vị có khuôn viên rộng đã làm sân bóng chuyền để cán bộ, nhân viên đơn vị mình tập luyện. Các giải bóng chuyền đều thu hút khá nhiều đội bóng tham gia. Thỉnh thoảng có những giải đấu mời các đội bóng mạnh ở những huyện khác lên thi đấu, tạo sức hút cho phong trào”.
LÊ CƯỜNG