Ô nhiễm nghiêm trọng ở bờ Chợ Gò (Phước Thuận, Tuy Phước): Tiên trách kỷ...
Năm 1996, 12 hộ dân ở thôn Bình Thái, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước (trong đó có ông Nguyễn Đình Lang), được Nhà nước cân đối giao cho sử dụng chung ở bờ Chợ Gò, với tổng diện tích được giao quyền sử dụng trên 14.300 m2 loại đất nuôi trồng thủy sản, thuộc thửa đất số 389, tờ bản đồ số 21. Bình quân mỗi hộ được giao 140 - 2.500 m2.
Do nguồn nước đã bị ô nhiễm bởi rác thải nên khu vực bờ Chợ Gò (thuộc thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận) không còn nuôi trồng thủy sản được nữa.
Sau đó, 11 hộ thống nhất cho ông Lang thuê lại toàn bộ diện tích trên để nuôi trồng thủy sản trong thời hạn 20 năm (từ năm 1996 - 2016) nhưng không hề có giấy tờ, không ràng buộc các điều kiện về trách nhiệm như trông coi, bảo quản.
Trong quá trình canh tác, ông Lang đã để cho các hộ dân sống liền kề thửa đất được thuê tự ý cơi nới, lấn chiếm, xây dựng các công trình khác; xả rác thải, nước sinh hoạt trực tiếp xuống hồ, khiến khu vực này dần bị ô nhiễm trầm trọng.
Đầu năm 2016, 11 hộ dân đã chấm dứt hợp đồng cho thuê bờ với ông Lang, song cũng không thể nuôi trồng thủy sản được bởi nguồn nước bị ô nhiễm. Vì vậy, các hộ gửi đơn đề nghị UBND xã xem xét, can thiệp.
Kết quả kiểm tra thực địa tại bờ Chợ Gò của UBND xã Phước Thuận cho thấy, ngoài nguồn nước bị ô nhiễm, diện tích đất nuôi trồng thủy sản cũng giảm hơn so với lúc được giao (năm 1996), chỉ còn khoảng 12.400 m2 (theo đo đạc VLAP năm 2013). Ông Lê Duy Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, nói: “Diện tích đo đạc mới bị giảm so với trước có thể là do sai số trong quá trình đo đạc bằng tay trước đây để giao quyền cho người dân, nhưng cũng có tình trạng các hộ dân sống liền kề lấn chiếm để xây dựng công trình khác. Xã chưa thống kê được cụ thể diện tích bị lấn chiếm. Việc này có lỗi của các hộ vì đã thiếu trách nhiệm không quản lý phần đất mình đã được Nhà nước giao quyền”.
Được biết, tại buổi làm việc với UBND xã Phước Thuận, 12 hộ đã đề nghị UBND xã xem xét cho họ được đổi vị trí đất ở địa điểm khác hoặc nếu Nhà nước thu hồi thì có cơ chế hỗ trợ. Tuy nhiên, đề nghị này không được chấp thuận.
Có thể thấy rằng, để xảy ra tình trạng như hôm nay, lỗi chính thuộc về các hộ: được Nhà nước giao đất nhưng không sử dụng, lại đem cho thuê, để rồi đất bị lấn chiếm, ô nhiễm. Thay vì tiếp tục khiếu nại, tại sao các hộ không tự cải tạo lại phần đất của mình như nạo vét lòng hồ, thu gom rác thải để có thể canh tác trở lại. Còn nếu không có nhu cầu sử dụng nữa thì giao lại cho Nhà nước để Nhà nước giao cho người khác có nhu cầu thực sự.
Trong việc này, phải nên tiên trách kỷ...
PHÚC LỘC