“Quái sư”
* LÊ THỊ CẨM TÚ
Tôi đã từng rất rất không ưa thầy. Một ông già với một thân hình gầy ốm, cho lớp nghỉ ngay buổi học đầu tiên khi mới bước nửa bước chân vào lớp. Cả lớp ngẩn ngơ chẳng biết chuyện gì xảy ra trong khi đang ngồi ngóng chờ tiết dạy của thầy.
Người ta đồn thầy dạy hay lắm, hoạt kê lắm nhưng giờ dạy của thầy không ai dám cười to. Thầy chẳng bao giờ viết bảng, nhưng thầy giảng thao thao, khúc chiết, rành mạch, rõ ràng. Từng câu một khắc luôn vào trí nhớ của đám sinh viên mở to mắt ra đang ngồi phía dưới. Thầy giảng bài và thầy kể như một cách đối chiếu với cuộc sống. Những liên tưởng của thầy nhiều khi gây cười nhưng sinh viên dặn nhau là không được cười to. Tiếng đồn về thầy rất nhiều. Sau tiết học “nửa bước chân” hôm ấy, lớp mới biết quy định đầu tiên của thầy là bàn của giảng viên phải có khăn trải bàn, nếu không có thì tự động hôm đó lớp nghỉ học. Cả lớp gọi thầy là ông thầy “quái dị”, có đứa vắn tắt, khôi hài gọi luôn là “quái sư”!
Tiết học sau, mọi thứ được bày biện đúng như ý của thầy, thật ra cũng không có gì rắc rối, phức tạp lắm, chỉ có điều là lớp không biết. Biết rồi thì lo chuẩn bị. Ai cũng nghiêm chỉnh hơn trong tiết học của thầy. Mà thầy cũng hết sức thản nhiên. Nói theo kiểu thường nhật là không để bụng.
Một ông thầy gầy xách chiếc cặp đã cũ rách, dây cặp còn dấu chuột gặm. Quần áo của thầy thì đã bạc phếch. Tóc thầy cũng đã nhuộm màu theo dòng thời gian. Nhiều đứa không khỏi ơn ớn vì đã nghe đồn thổi về thầy. Thầy bước vào lớp. Nghiêm nghị. Thầy chào lại cả lớp và đi thẳng vào bài mới. Cả lớp ngồi im răm rắp. Thầy giảng thao thao bất tuyệt. Bên dưới nhiều đứa mặt cứ ngẩn tò te vì chỉ hiểu được lỗ mỗ, thậm chí chả hiểu những điều thầy đang giảng.
Thầy gọi thử đứa này, đứa nọ để thăm dò. Nhưng chẳng đứa nào trả lời đúng. Thầy mắng và lắc đầu giảng lại. Cố gắng khai mở bọn sinh viên còn u mê bên dưới. Thầy là vậy, nhưng bọn sinh viên - phần đông lại rất mến thầy. Thầy mắng, thầy chửi - đôi khi nghe buốt cả não - nhưng lại là người thương sinh viên nhất khoa. Ai đã từng học thầy đều nhận xét như vậy.
Sau buổi học của thầy, gần như lần nào bọn chúng tôi cũng xôn xao bàn luận về những điều thầy vừa khai mở, gợi ý. Ngay từ hành lang giảng đường, không ít sinh viên buột miệng tấm tắc khen: “Thầy này dạy hay quá!”, “Hôm nay, thầy giảng nghe thiệt là đã”...
Mỗi lần lên bục giảng là một lần cảm xúc của thầy thăng hoa. Hình như nếu không được như thế, chính thầy sẽ thấy mình có lỗi với sinh viên. Có hôm, thầy đang giảng về thơ Tagore làm tâm hồn sinh viên cứ bay bổng theo với bài thơ tình bất hủ. Rồi đột nhiên thầy ghé sang những câu chuyện đời thường với những cơn giận đùng đùng như diễn viên nhập vai trên sân khấu, thầy cầm chiếc giày gõ lên bàn cái “tum”. Cả lớp như chết lặng, chẳng biết thầy tháo giày ra lúc nào. Có lẽ phải như thế thì mới diễn đạt hết cung bậc cảm xúc của thầy. Ngay cả những hành trạng như thế cũng rất hài hòa với thầy. Tịnh không chút làm dáng, không một chút diễn nào. Trên bục giảng thầy là như vậy.
Thầy kể một câu chuyện, có lần sinh viên tưởng thầy là ông xe ôm. Thấy dáng người gầy còm, xơ xác, cậu sinh viên vỗ vai: “Chở con ra bến xe, bao nhiêu tiền hở bác?”. Thầy vẫn im lặng làm một ông xe ôm, chở cậu sinh viên ra tận bến xe. Cậu ấy đưa tiền, tôi bảo chở giùm thôi. Rồi đám sinh viên các cô cậu truyền tai nhau có ông xe ôm ốm ốm hay chở giúp sinh viên. Ông xe ôm ấy nổi tiếng cho đến khi thấy tôi lên bục giảng. Tôi thấy cũng bình thường, cũng vui vui!
Thầy gần như không nhận quà của sinh viên, hãn hữu lắm mới nhận hoa và sách. Những dịp lễ lạt, ai đó mang quà tặng thầy, thể nào cũng bị đốp cho một câu: “Anh/chị nghĩ tôi không có tiền mua thứ này hay sao mà đem tặng tôi?”. Thầy đi dạy cũng như thầy sống. Nói cách khác là thầy sống sao dạy vậy, nói thế nào là sống được thế đó. Ngôn hành như nhất.
“Giang hồ ký túc xá” có rất nhiều giai thoại về thầy, nhiều bậc đàn anh đàn chị đã ra trường còn khẳng định rằng, riêng về thầy, có thể viết hẳn truyền kỳ giai thoại, trường thiên tiểu thuyết.
Đầu năm thứ ba, lớp tôi nhận được thông báo có giáo viên chủ nhiệm mới đến nhận lớp, vì thầy chủ nhiệm cũ giờ đã là phó giáo sư nên không còn chủ nhiệm lớp tôi nữa. Cả lớp đứa nào cũng tò mò không biết ai sẽ chủ nhiệm lớp mình. Thế rồi người được phân công lại chính là thầy. Mến thầy nhưng không ít sinh viên vẫn ngài ngại. Biết chuyện, các anh chị lớn nói: Chúng mày khéo tu lắm mới có diễm phúc được thầy chủ nhiệm.
Cả lớp xôn xao cả tuần mới yên. Buổi sinh hoạt cuối tháng thầy đến dự, lớp thật sự bất ngờ vì thầy khác hẳn với khi đứng trên bục giảng. Thầy quan tâm tới lớp mọi điều, mọi việc khó khăn của lớp, những khúc mắc thầy đều tìm cách giải quyết. Giờ thì ai cũng tin và sẵn sàng làm chứng rằng thầy là ông thầy thương sinh viên nhất khoa.
Dù có đi xa, trong lòng bao thế hệ sinh viên vẫn mãi nhớ về thầy. Thầy theo chúng tôi trên mỗi bước đường đời qua bao năm tháng. Hình ảnh về thầy đi vào lòng chúng tôi thân thương và vô cùng tự nhiên như vậy đó.
L.T.C.T