Hội thi vẽ và triển lãm tranh thiếu nhi cấp tỉnh - năm 2016: Nhiều “cây cọ” triển vọng
Là hoạt động do Sở VH-TT cùng Sở GD&ĐT phối hợp tổ chức, Hội thi vẽ và triển lãm tranh thiếu nhi cấp tỉnh - năm 2016 (diễn ra ngày 12.11 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh) thu hút 89 học sinh ở 2 bậc Tiểu học và THCS tham gia. Nhiều bức tranh đẹp đã ra đời tại Hội thi này.
Khác với các lần thi trước phải bốc thăm chọn chủ đề, tại Hội thi năm nay, thí sinh được tự chọn 1 trong 5 chủ đề do Ban tổ chức (BTC) đưa ra để vẽ tại chỗ (thời gian 180 phút). Khu vực thi vẽ tranh chợt rộn lên những tràng pháo tay giòn giã của các cây cọ nhí khi BTC thông báo điều này. Đồng thời, vẻ căng thẳng trước giờ ứng thí vốn không nên có ở sân chơi sáng tạo nghệ thuật trẻ thơ giãn ra rất nhiều!
Cuộc sống qua lăng kính hội họa của trẻ
Được quyền chọn chủ đề tâm đắc để thể hiện là một thuận lợi, thậm chí không tránh khỏi một số trường hợp đã “ém” sẵn những bức tranh chỉn chu trong đầu. Theo quan sát của người viết, nhiều cây cọ nhí bập vào vẽ rất nhanh. Nhiều em tự tin vẽ thẳng lên giấy thi bằng bút lông, sáp màu, bỏ qua bước phác thảo bằng bút chì.
30 bức tranh đẹp nhất từ Hội thi được triển lãm vào chiều cùng ngày, thu hút nhiều người đến thưởng lãm.
Họa sĩ Nguyễn Chơn Hiền, Trưởng Ban giám khảo, nhận xét: “Hội thi lần này có sự ngang bằng chất lượng tác phẩm, khiến Ban giám khảo cân nhắc rất nhiều trong đánh giá. Hầu như tất cả thí sinh đều chuẩn bị tốt về ý tưởng, bố cục, nét vẽ, cách sắp xếp hình, mảng và cách phối màu sinh động, hài hòa. Nhiều thí sinh thể hiện đầy cá tính, hứa hẹn sẽ là những họa sĩ triển vọng trong tương lai”.
Theo một số giáo viên mỹ thuật, tuy màu nước là chất liệu chưa được dạy ở cấp Tiểu học, song tại Hội thi đã xuất hiện nhiều bức tranh màu nước rất đẹp của học sinh ở cấp này, trình độ pha màu của các em rất vững, phối màu đẹp…
Về đề tài, bên cạnh những nội dung quen thuộc từng phổ biến tại các lần thi trước như Bác Hồ và thiếu nhi, bảo vệ môi trường, đền ơn đáp nghĩa, nhớ ơn thầy cô, Hội thi lần này xuất hiện một số bức tranh đẹp, ý nghĩa, vừa khá mới về ý tưởng nội dung. Điển hình như bức tranh đoạt giải Nhất khối THCS của em Võ Hoàng An (lớp 7A8, THCS Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn) khai thác về chủ đề trẻ em miền núi và đại đoàn kết dân tộc. “Niềm vui của em” diễn tả cảnh trẻ em các dân tộc thiểu số đang hân hoan chơi đùa bên nhau, đánh cồng, chiêng, ca hát giữa không gian núi rừng. Chiều sâu nội dung bức tranh còn được tô đậm bởi sự có mặt của hình ảnh chú bộ đội bên cạnh các em nhỏ vùng cao này. Ngoài “ăn điểm” về nội dung, hình thức nghệ thuật của tác phẩm này cũng được đánh giá cao, thể hiện ở phong cách trang trí, hình tượng các nhân vật được cách điệu cao; bố cục tranh vững vàng, đường nét chắc khỏe; sử dụng thành công sắc màu tương phản...
Bên cạnh đó, các bức tranh về đề tài bộ đội giúp dân chạy lũ, cứu dân trong lũ hay giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt là mảng tranh phản ánh được tính thời sự cũng như cho thấy sự quan tâm, sẻ chia, rung động của các em với những diễn biến cuộc sống xung quanh mình...
Học sinh trường huyện, học sinh tiểu học gây ấn tượng
Hội thi năm nay tiếp tục ghi nhận sự thể hiện ấn tượng của các cây cọ nhí ở huyện. Hiện tượng này chứng tỏ, năng khiếu nghệ thuật không bị các bất lợi về cơ sở vật chất, cơ hội được bồi dưỡng về hội họa… kiềm chế nhiều. Ngược lại, với trí tưởng tượng hồn nhiên, bay bổng, với những rung động chân thành về cuộc sống, thông qua ngôn ngữ hội họa, các em đã nói lên tiếng lòng của mình với màu sắc riêng.
Cùng với TP Quy Nhơn, các huyện Hoài Nhơn, Phù Cát, Hoài Ân, Tuy Phước được đánh giá cao về phong trào mỹ thuật trong nhà trường Tiểu học và THCS. Trong đó, nổi bật nhất là huyện Hoài Nhơn, từng nhiều lần đoạt giải Nhất, Nhì toàn đoàn tại sân chơi thi vẽ tranh cấp tỉnh qua các năm; Hội thi này Hoài Nhơn có 7/8 em đi thi có giải!
Cũng vẽ về đề tài tình cảm với chiến sĩ, song bức tranh của em Phạm Thúy Vi (lớp 5E, trường Tiểu học Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân) không có những mô-tip hình ảnh quá quen thuộc (như chiến sĩ và thiếu nhi vui đùa cùng nhau, thiếu nhi tặng hoa cho chiến sĩ hay chiến sĩ bế thiếu nhi trên tay)... Vi vẽ các em nhỏ thích thú ngồi trên những chiếc máy bay đặc biệt - là những chú chuồn chuồn khổng lồ. Trên đôi cánh thần tiên này, các em được vượt biển khơi trùng dương đến thăm chiến sĩ. Một bức tranh thoát ra từ trí tưởng tượng thật đẹp và bay bổng.
Để lại ấn tượng đẹp, lòng yêu nghệ thuật là trường hợp của Võ Thành Lâm, tác giả bức tranh “Thăm cô giáo ngày xưa” đoạt giải Nhất khối Tiểu học. Lâm bị đau bụng, nôn nhiều từ sáng sớm ngày thi nhưng vẫn cố gắng vào thi, bắt đầu vẽ không bao lâu, em phải dừng để đến bác sĩ. Được chẩn đoán viêm ruột thừa, song nguyện vọng của em là uống thuốc giảm đau để hoàn thành bức tranh. Lâm cho biết, bức tranh của em mô tả khung cảnh học sinh về thăm cô giáo đã nghỉ hưu tại nhà riêng. Cô giáo ngày nào giờ là bà lão, khung ảnh bộ đội trong tranh dẫn dắt cho nội dung cô giáo còn là mẹ chiến sĩ, là đối tượng chính sách cần được xã hội tri ân, quan tâm. Xem tranh của Lâm, họa sĩ Chơn Hiền có nhận xét: “Hình ảnh học sinh quây quanh cô giáo, mỗi người mỗi vẻ. Dáng thế của các học sinh được bố cục hợp lý và rất sinh động. Bằng sắc màu tươi sáng trên các trang phục đa dạng của học sinh đã tôn vinh sắc nâu trên trang phục cô giáo, càng làm tác phẩm đẹp hơn!”.
SAO LY