Người Bana Kriêm Vĩnh Thạnh giữ gìn bản sắc văn hóa
Trong những năm qua, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Bana Kriêm ở Vĩnh Thạnh được gìn giữ, phát huy. Trong đó đáng kể nhất là thổ cẩm và cồng chiêng.
1.
Thổ cẩm của đồng bào Bana Vĩnh Thạnh khá nổi tiếng. Trước tiên là vì thổ cẩm ở đây được dệt bằng tay nên dày dặn hơn. Người thợ dệt Bana chăm sóc sản phẩm của mình như một tác phẩm, nên thổ cẩm Bana tinh tế, đường nét sắc xảo, họa tiết truyền thống quyện với những hoa văn mới trên nền màu sắc rực rỡ: xanh chuối, xanh dạ quang, đỏ, hồng hợp với màu đen khiến những bộ váy, những chiếc áo, tấm chăn... dễ dàng cuốn hút ánh nhìn người đối diện.
Lễ hội Xa mốc (ăn cốm lúa mới) tại làng K4, xã Vĩnh Sơn.
Mấy năm gần đây, các loại trang phục của nghệ nhân Bana Vĩnh Thạnh có nhiều dịp đến với công chúng qua các hội chợ trong tỉnh. Đặc biệt trong các mùa lễ hội văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số miền núi, trang phục thổ cẩm nguyên bản cũng như trang phục thổ cẩm cách tân chinh phục được rất nhiều người. Người dự hội các chương trình, hội thi của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh sử dụng thổ cẩm Bana Vĩnh Thạnh ngày càng nhiều.
Theo “Quy hoạch phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh đến năm 2020”, làng Hà Ri (xã Vĩnh Hiệp) là một trong 5 làng nghề truyền thống của tỉnh được quy hoạch phát triển làng nghề gắn với du lịch. Theo đó, làng Hà Ri được xây dựng thành làng nghề dệt vải thổ cẩm và sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ thổ cẩm, phục vụ tiêu dùng cho người dân trong vùng, phục vụ du lịch. Cơ hội để thổ cẩm Bana Kriêm Vĩnh Thạnh bay xa đang dần dần nhiều thêm.
2.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Bana -Yang Danh: “Cồng chiêng có mặt trong mọi nghi lễ cộng đồng cũng như của từng gia đình, cá nhân. Người Bana không đơn thuần coi cồng chiêng là nhạc cụ mà coi đó là phương tiện giúp con người giao tiếp với thần linh!”. Già làng Đinh Chương ở xã Vĩnh Sơn khẳng định: “Ngày xưa đa số các gia đình Bana đều có cồng chiêng, đó là tài sản quý. Cồng chiêng càng cổ và có âm thanh hay càng quý, một bộ cồng chiêng tốt có thể đổi được tới vài chục con trâu”.
Ý thức được điều này, huyện Vĩnh Thạnh chú trọng giữ gìn vốn quý cồng chiêng, đặc biệt động viên hướng dẫn để lớp trẻ tích cực tiếp nhận và phát huy di sản quý giá này. Ông Đinh Y Oai, Giám đốc Trung tâm VHTT-TT huyện Vĩnh Thạnh cho biết: “Tại các làng đồng bào Bana ở Vĩnh Thạnh ngày nay, ngoài những bộ cồng chiêng chung của làng, nhiều gia đình vẫn còn lưu giữ các bộ cồng chiêng do ông cha để lại. Đội cồng chiêng của các làng cũng được tổ chức và tập luyện thường xuyên, những người lớn tuổi dạy lại cho lớp trẻ những bài cồng chiêng để tham gia biểu diễn các ngày lễ hội. Khả năng trình tấu cồng chiêng của học sinh trường PTDTNT huyện ngày càng khá hơn, đó là những tín hiệu rất đáng mừng!”.
XUÂN DŨNG