Chủ động đối phó với bệnh đái tháo đường
Từ năm 2006, đái tháo đường (ĐTĐ) được Đại hội đồng Liên hiệp quốc công nhận là bệnh mãn tính nguy hiểm, gây suy nhược cơ thể, biến chứng dẫn đến tử vong, nguy cơ ảnh hưởng cuộc sống toàn nhân loại. Đối phó hiệu quả với ĐTĐ ngày càng được quan tâm hơn.
Bệnh ĐTĐ là một rối loạn chuyển hóa mãn tính gây tăng đường huyết do thiếu hụt insulin, khiếm khuyết insulin hoặc cả hai. ĐTĐ đang trở thành một trong những vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng không chỉ với các quốc gia có nền kinh tế phát triển mà ngay cả những nước có nền kinh tế khó khăn, do số lượng ca mắc mới không ngừng gia tăng.
“Sát thủ” giấu mặt
Theo thông báo của Hiệp hội ĐTĐ thế giới, năm 1995 cả thế giới có 135 triệu người mắc bệnh, năm 2000 đã tăng lên 151 triệu, năm 2010 có 221 triệu và dự báo đến năm 2025 có 330 triệu người mắc, chiếm 5,4% dân số toàn cầu. ĐTĐ cũng đang gia tăng đáng kể ở Việt Nam, với tỉ lệ lưu hành của bệnh trên dân số là 4% vào năm 2012.
Xét nghiệm sàng lọc ĐTĐ cho người dân huyện Tây Sơn.
Ở Bình Định, theo Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét - Các bệnh nội tiết tỉnh Phạm Văn Bảo, kết quả điều tra sàng lọc tại TP Quy Nhơn năm 2005 cho tỉ lệ mắc bệnh ĐTĐ so với số đối tượng được khám là 8,6%; năm 2010 khám sàng lọc tại 4 địa phương cho tỉ lệ 7,4%. Năm 2015, khám sàng lọc ở 5 địa phương, tỉ lệ mắc ĐTĐ lên đến 10,4% (306 ca/2.941 người được khám); tiền ĐTĐ là 26,7% (794 ca/2.941 người được khám).
Đáng chú ý, tỉ lệ người bệnh ĐTĐ biết tình trạng mắc bệnh của mình còn rất khiêm tốn, chỉ ở mức 33,4%.
Nguyên nhân là do bệnh cảnh của ĐTĐ rất đa dạng. Một số ít bệnh nhân có các triệu chứng điển hình của tăng đường huyết như tiểu nhiều, uống nhiều, khát nước, ăn nhiều, sụt cân. Tuy nhiên trong đa số trường hợp, các triệu chứng thường âm ỉ nên bệnh chỉ được phát hiện lúc đi thử máu thường quy, như kiểm tra sức khỏe định kỳ, trước khi mổ hoặc khi có biến chứng (nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, nhiễm trùng kéo dài…).
Tìm hiểu thực tế tại khoa Nội tiết (BVĐK tỉnh), chúng tôi gặp nhiều bệnh nhân nhập viện muộn khi đã có các biến chứng nặng như hôn mê toan ceton; hôn mê tăng áp lực thẩm thấu; tổn thương mạch máu nhỏ ở mắt, thận; tổn thương mạch máu lớn làm hẹp các mạch máu lớn gây bệnh lý mạch vành, tai biến mạch máu não… Đặc biệt, bệnh lý bàn chân ĐTĐ chiếm gần 50% số ca điều trị nội trú, khiến khoa Nội tiết phải thành lập riêng phòng điều trị bàn chân ĐTĐ. Như trường hợp bà N.T.L. (86 tuổi, ở huyện Phù Cát) vào khoa điều trị khi ngón cái của bàn chân phải đã nhiễm trùng nặng. Bệnh nhân ĐTĐ type 2 này phải được chăm sóc tích cực, thay băng, cắt lọc vết thương hằng ngày, dùng insulin hạ đường huyết…
Chủ động đối phó
“ Với chỉ số khối cơ thể (gọi tắt là BMI), được tính bằng số cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m), chỉ nên duy trì ở mức 20-23 ”
Theo Trưởng khoa Nội tiết Nguyễn Hoàng Vũ, nội dung phòng bệnh ĐTĐ bao gồm: phòng để không bị ĐTĐ đối với người có nguy cơ mắc bệnh; phòng không để bệnh tiến triển nhanh và phòng để giảm thiểu các biến chứng nhằm cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Đầu tiên là sàng lọc để tìm ra nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao (tuổi trên 45; tiền sử gia đình có người trực hệ mắc bệnh ÐTÐ; người bị tiền ÐTÐ, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ máu; thừa cân, béo phì; tiền sử ÐTÐ thai nghén và sinh con nặng hơn 4kg; hội chứng buồng trứng đa nang). “Cần can thiệp tích cực với nhóm đối tượng này nhằm làm giảm tỉ lệ mắc bệnh trong cộng đồng”, bác sĩ Vũ nhấn mạnh.
Với người đã mắc bệnh ĐTĐ, cần nâng cao chất lượng sống nhằm làm chậm xảy ra các biến chứng, làm giảm các mức độ nặng của biến chứng. Cụ thể, cần kiểm soát đa yếu tố như đường huyết, huyết áp, lipid máu bằng cách tuân thủ điều trị và đi khám định kỳ. Với chỉ số khối cơ thể (gọi tắt là BMI), được tính bằng số cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m), chỉ nên duy trì ở mức 20-23.
Bên cạnh đó, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể lực là yếu tố quan trọng trong điều trị bệnh ĐTĐ. Cụ thể, bệnh nhân phải có chế độ ăn uống hợp lý và điều độ, hạn chế bia rượu, không hút thuốc lá. Bác sĩ Vũ cho rằng, bệnh nhân ĐTĐ chỉ nên dùng các dạng thực phẩm chứa carbohydrate có chỉ số đường huyết thấp từ 55 điểm trở xuống, như ở bắp, khoai môn, chuối, mì, cháo cám, táo và sản phẩm làm từ bột củ sen. Người bệnh ĐTĐ được khuyến cáo dùng ít dầu khi chế biến thực phẩm; hạn chế ăn mặn và các thực phẩm chế biến sẵn như mì gói, chả giò, chả lụa, cùng mỡ động vật, da, phủ tạng…
NGUYỄN VĂN TRANG
Ngày 14.11 hằng năm được chọn là Ngày Thế giới phòng chống bệnh ĐTĐ, để người dân hiểu rõ hơn và có được những thông tin mới nhất về thực trạng bệnh ĐTĐ. Sáng 14.11, Trung tâm Phòng chống sốt rét - Các bệnh nội tiết tỉnh phối hợp với huyện Tây Sơn và Phù Cát tổ chức mit-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh ĐTĐ. Đây cũng là 2 huyện có tỉ lệ mắc bệnh cao (lần lượt là 12% và 10,7%) trong 5 địa phương có triển khai khám sàng lọc trong năm 2015 (cùng với Quy Nhơn, Hoài Nhơn, Tuy Phước).