Giải pháp nào góp phần hạn chế tai nạn tàu cá trên biển?
Ðầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra trên 30 vụ tàu cá gặp tai nạn trên biển, gây thiệt hại tài sản đáng kể cho ngư dân; tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do đâu và làm thế nào hạn chế tình trạng này? P.V Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (thuộc Sở NN&PTNT) về vấn đề này.
● Thưa ông, nguyên nhân nào khiến gần đây tai nạn tàu cá trên biển gia tăng?
- Các vụ tai nạn tàu cá xảy ra thời gian qua, ngoài yếu tố khách quan như thời tiết xấu, còn có nguyên nhân là phương tiện cũ kỹ, không đảm bảo hoạt động trên biển. Hầu hết các tàu hỏng máy rơi vào tàu vỏ gỗ sử dụng máy tàu đã qua sử dụng, không đảm bảo an toàn trong điều kiện gặp sóng to, gió lớn.
Theo thống kê, khoảng 95% trong tổng số trên 6.300 tàu thuyền đang đánh bắt của tỉnh sử dụng máy cũ nhập từ nước ngoài về, được đại tu lại. Không những vậy, một số ngư dân còn mua lại các loại động cơ máy bộ thải ra từ các xe công trình, đầu kéo, về đại tu và độ chế thành máy thủy làm máy chính để khai thác, đánh bắt. Do đây là loại động cơ được sản xuất hoạt động trên bộ nên khi tiếp xúc với nước biển sẽ bị ăn mòn rất nhanh, tiêu hao nhiên liệu nhiều và dễ gây ra hiện tượng chết máy khi đang đánh bắt trên biển.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác là người trực tiếp làm việc trên tàu cũng không đáp ứng được yêu cầu theo quy định của hoạt động nghề cá. Theo quy định, tàu cá hoạt động khai thác xa bờ cần có một thuyền trưởng và một máy trưởng được đào tạo và có bằng lái tàu theo công suất thiết kế của tàu. Tuy nhiên, hiện chỉ 70% tàu đáp ứng yêu cầu này. Đa số ngư dân mang chức danh “thuyền trưởng, máy trưởng” chỉ giỏi về kinh nghiệm đi biển, rành ngư trường; còn kỹ thuật vận hành, kiểm tra, quản lý chế độ hoạt động cũng như xử lý sự cố của máy lại rất yếu. Việc điều khiển tàu cá trên biển theo quy tắc tránh va, đúng Luật Hàng hải và ý thức cảnh giới an toàn hàng hải của ngư dân cũng chưa cao.
Tàu SAR 412 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II lai dắt tàu BĐ 95744-TS bị nạn trên biển về đất liền.
● Tuy nhiên, cũng có dư luận cho rằng, tàu cá thường xuyên gặp sự cố hỏng máy có nguyên nhân từ khâu kiểm định, đăng kiểm của cơ quan chức năng chưa tiến hành chặt chẽ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Tôi nghĩ, việc đổ lỗi do công tác đăng ký, đăng kiểm là không có cơ sở. Công tác đăng kiểm cho mỗi tàu cá được thực hiện một lần trong năm theo quy định, không chỉ kiểm tra an toàn và khả năng hoạt động của máy tàu, mà còn bao gồm tổng thể việc kiểm tra an toàn kỹ thuật cho vỏ tàu, máy tàu, trang thiết bị khai thác, trang bị an toàn hàng hải, cứu sinh, cứu đắm, phòng cháy chữa cháy... Sau khi kiểm tra, đánh giá, đăng kiểm viên chỉ cấp phép cho các tàu đảm bảo các quy phạm an toàn kỹ thuật được hoạt động trên biển.
Tuy nhiên, cái khó hiện nay là tại cơ quan đăng kiểm tàu cá chưa có thiết bị để đánh giá tổng thể chi tiết, giới hạn hoạt động, tuổi thọ từng động cơ để sớm thông báo khả năng hỏng hóc của động cơ. Vì vậy, đăng kiểm viên không thể lường trước được tác động bên ngoài như sóng to, gió lớn hoặc quá tải, hay về kỹ năng sử dụng vận hành, bảo quản của người sử dụng trong quá trình hoạt động trên biển.
● Vậy theo ông, giải pháp nào để hạn chế những tai nạn không đáng có liên quan đến sự cố từ máy tàu hoặc do công tác đăng ký, đăng kiểm? Ông có lời khuyên gì cho ngư dân khi vận hành thiết bị, máy móc trên tàu?
- Chi cục Thủy sản đang phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm các quy định về đăng ký, đăng kiểm, trang bị an toàn, nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT; đồng thời, tăng cường tổ chức các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, các lớp tập huấn, hướng dẫn, trang bị cho ngư dân những kiến thức khoa học cần thiết về phòng tránh bão, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển.
Ngoài ra, công tác kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá cũng sẽ được thực hiện nghiêm ngay từ khâu thẩm định hồ sơ thiết kế đến các bước kiểm tra, giám sát kỹ thuật theo quy chế đăng kiểm tàu cá; kết hợp với công tác quản lý chặt chẽ cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá, không cho lắp đặt máy tàu không rõ nguồn gốc xuất xứ; từng bước vận động ngư dân không sử dụng tàu quá cũ nát (trên 15 năm). Bên cạnh đó, ngành cũng đề cao trách nhiệm của đăng kiểm viên trong việc kiểm tra trang thiết bị máy móc, cũng như bố trí, đào tạo nguồn nhân lực đăng kiểm viên có trình độ cao.
Về phía ngư dân, chúng tôi khuyên bà con nên đầu tư sử dụng máy thủy mới. Với những tàu hoạt động xa bờ hoặc sử dụng máy thủy cũ, cần được cơ quan kiểm định chất lượng vận hành đạt 80% trở lên. Mặt khác, ngư dân cần chú trọng khâu duy tu, bảo dưỡng; thường xuyên kiểm tra các thông số hiển thị tính năng hoạt động của máy, tránh không để tàu hoạt động quá tải. Ngoài ra, không nên đánh bắt trong điều kiện thời tiết, sóng gió không cho phép và sớm tìm nơi trú ẩn an toàn cho tàu cá và thuyền viên.
● Cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)