Thêm cơ hội sống cho trẻ sinh non
Theo Trưởng khoa Nhi sơ sinh (BVĐK tỉnh) Phạm Thiện Ngôn, nguy cơ tử vong ở trẻ sinh non là rất cao, đặc biệt với trẻ dưới 2kg. Với sự vào cuộc tích cực của các khoa và đơn nguyên Nhi sơ sinh (NSS), cơ hội sống cho trẻ sinh non trên địa bàn tỉnh đã được nâng cao đáng kể.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, trẻ sinh non là trẻ chào đời từ tuần thứ 23-37 trong thai kỳ. Một khảo sát của khoa NSS (BVĐK tỉnh) cho thấy, trẻ sinh non nhẹ cân có nguy cơ tử vong rất cao và tỉ lệ nghịch với cân nặng: dưới 1kg là 81,8%; 1-1,5kg là 24,6%; 1,5-2kg là 4%; 2-2,5kg là 5,6%; và trên 2,5kg là 2,7%.
Chuyên sâu
Bác sĩ Phạm Thiện Ngôn cho hay, với trẻ sinh non, dù được điều trị thành công và xuất viện vẫn có nguy cơ mắc các di chứng nguy hiểm như: bệnh võng mạc trẻ sinh non (ROP), tổn thương tai gây điếc, chậm phát triển thể chất và tinh thần…
Bà Trần Thị Liên vui mừng vì cháu nội phục hồi tốt.
ROP là sự phát triển bất thường mạch máu hóa võng mạc xảy ra ở trẻ sinh non, khi bị nặng sẽ dẫn đến mất thị lực nghiêm trọng. Nếu không được khám, phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ bị mù vĩnh viễn. Trước đây, mỗi năm có khoảng 120 trẻ phải chuyển vào TP Hồ Chí Minh để khám phát hiện, không chỉ tốn kém mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Những khó khăn đó đã được giải quyết khi phòng khám ROP đi vào hoạt động từ ngày 19.8.2015. Phòng khám ROP đặt tại khoa NSS nằm trong khuôn khổ dự án “Phát triển dịch vụ chăm sóc mắt trẻ em tại Bình Định” do Tổ chức Orbis tài trợ. Theo bác sĩ Nguyễn Thành Tân, Phó khoa Kết - giác mạc (Bệnh viện Mắt tỉnh) - người phụ trách phòng khám ROP, từ hiệu quả khám sàng lọc, BVĐK tỉnh và Bệnh viện Mắt tỉnh sẽ phối hợp triển khai điều trị ROP ngay tại Bình Định khi chuẩn bị đủ điều kiện.
Orbis là tổ chức phi chính phủ quốc tế có uy tín trong việc hỗ trợ các nước phát triển trong công tác phòng chống mù lòa và bảo vệ thị lực cho người dân. Đặc biệt, Orbis là tổ chức duy nhất hỗ trợ Việt Nam phát triển dịch vụ chăm sóc mắt toàn diện tại nhiều địa phương thông qua việc đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn sâu, cung cấp trang thiết bị hiện đại và hỗ trợ xây dựng mạng lưới dịch vụ chăm sóc mắt giúp người dân.
Bên cạnh đó, trong năm 2016, khoa NSS duy trì tốt hoạt động điều trị bằng thuốc kháng huyết thanh viêm gan B cho trẻ sơ sinh có nguy cơ cao viêm gan B; duy trì và hoàn thiện kỹ thuật đo huyết áp động mạch xâm lấn trong hồi sức sơ sinh… Khâu chăm sóc cũng được nâng cao đáng kể, góp phần giảm tỉ lệ tử vong tại khoa.
Từ quý IV.2015 đến quý III.2016, tỉ lệ tử vong tại khoa là 2,8%, giảm 1,2% so với cùng kỳ; trong khi số bệnh nhân điều trị tăng đến 16%. Mới đây nhất, tập thể khoa NSS và 5 cá nhân của khoa đã được Sở Y tế tặng Giấy khen về thành tích đột xuất trong điều trị, chăm sóc thành công bệnh nhi 8 ngày tuổi bị uốn ván rốn thể tối cấp.
Nhân rộng
Tối 12.11, chị Lê Thị Tây Ninh (27 tuổi, ở xã Phước Thành, huyện Tuy Phước) được mổ cấp cứu vì khô ối tại khoa Sản, BVĐK TP Quy Nhơn. Chào đời khi mới 35 tuần tuổi, cháu bé chỉ nặng 2,25kg, suy hô hấp nên được chuyển lên đơn nguyên NSS của khoa Nhi để điều trị.
Bác sĩ điều trị của khoa Nhi Trần Thị Hoài Chung cho biết, cháu bé đã được hút đờm nhớt, thở oxi, truyền dịch và tiêm kháng sinh phối hợp. Nhờ được chăm sóc tích cực nên đã chuyển biến tốt. Chiều 15.11, nhìn cháu nội bú sữa, bà Trần Thị Liên (cũng ở xã Phước Thành) vui mừng nói: “Mới sinh ra đã nhẹ cân, ngày hôm sau lại sụt tiếp; hôm qua giờ cháu bú được, chân tay cũng lanh lẹ hơn hẳn, thiệt chẳng vui nào bằng!”.
Từ năm 2011, ngày 17.11 hằng năm được chọn là ngày Thế giới vì trẻ sinh non, nhằm kêu gọi nhận thức và sự quan tâm của cộng đồng đối với trẻ sinh non. Việt Nam nằm trong số 42 nước có tỉ lệ trẻ em tử vong cao nhất thế giới; trẻ sinh non chiếm 50% số ca tử vong dưới 5 tuổi.
Đơn nguyên NSS ở BVĐK TP Quy Nhơn lúc cao điểm điều trị đến 7-8 trẻ. Các bác sĩ ở đây từng nuôi thành công trẻ sinh non nhẹ cân 0,9-1kg. Trong khi đó, tại BVĐK khu vực Bồng Sơn, 7 giường ở khoa Hồi sức cấp cứu và 14 giường ở khoa Nhi luôn được tận dụng tối đa cho trẻ sơ sinh. Từ đầu năm 2016, Bệnh viện cũng triển khai phương pháp nuôi kangaroo (da kề da) thành công cho gần 600 ca tại khoa Sản.
“Đơn nguyên NSS của chúng tôi thật sự là “vệ tinh” của khoa NSS, BVĐK tỉnh. Không chỉ nỗ lực nâng cao hiệu quả chăm sóc, điều trị tại chỗ, chúng tôi còn hỗ trợ các TTYT phía Bắc trong công tác chuyển viện an toàn”, Phó Giám đốc BVĐK khu vực Bồng Sơn Trần Quốc Việt cho hay.
Ở tuyến huyện, TTYT huyện Hoài Nhơn có đơn nguyên NSS rất sớm - năm 2004. Hiện nay, đơn nguyên có 4 giường bệnh cùng các trang thiết bị cơ bản, như đèn chiếu vàng da, lồng ấp, máy đo oxi máu, máy truyền dịch tự động. “Nhờ được bố trí ở bộ phận hồi sức nên khâu theo dõi được chú trọng giúp điều trị hiệu quả các bệnh lý thường gặp như vàng da, nhiễm trùng sơ sinh”, bác sĩ Nguyễn Công Tráng, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - phụ trách đơn nguyên NSS, chia sẻ.
NGUYỄN VĂN TRANG