Đừng can thiệp vào tranh của các em!
Hội thi vẽ - triển lãm tranh thiếu nhi cấp tỉnh - năm 2016 kết thúc đã được mấy ngày. Bên cạnh những mặt thành công, còn một hạn chế lớn đã và vẫn tồn tại dai dẳng nhiều năm cần được nghiêm túc chấn chỉnh. Đó là tình trạng giáo viên mỹ thuật, phụ huynh, người có chuyên môn hội họa, can thiệp vào tranh của các em với nhiều mức độ.
Chuyện “gà bài” trong thi vẽ tranh có lẽ đã diễn ra từ nhiều năm, nay phổ biến đến mức thí sinh, người nhà, giới giáo viên mỹ thuật, thậm chí cả ban giám khảo… gần như xem đây là chuyện bình thường.
Trước khi ứng thí, các em được “gà” trước một số đề tài. Nếu tác phẩm chưa đạt, các em sẽ được “hỗ trợ” bằng ý tưởng khác. Ngay cả khi bức tranh ấy đạt yêu cầu, nó vẫn được người hỗ trợ góp ý về mọi mặt để... “nâng tầm tư tưởng”. Vẫn có thể chấp nhận được nếu góp ý ấy bằng lời nói, để tự tay các em vẽ, hoàn thiện bức tranh của mình. Nhưng không loại trừ việc người lớn làm thay công việc đó và các em chỉ là người thể hiện lại.
Khi cuộc thi vẽ chính thức diễn ra, có thông báo từ Ban tổ chức về các chủ đề (thường là bốc thăm chọn chủ đề thi, riêng năm nay, thí sinh được tự chọn) thì với mỗi chủ đề các thí sinh đều có sẵn “đáp án”. Tiếng là sáng tác nhưng thực tế các em chỉ chép lại bài tập làm sẵn theo trí nhớ.
Một số người là giám khảo các cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi, thuộc giới giáo viên mỹ thuật khẳng định, không thí sinh nào vào phòng thi, nhận chủ đề rồi mới suy nghĩ mình sẽ vẽ gì. Từ trước ngày thi rất lâu, các em đều được chuẩn bị sẵn, rất kỹ lưỡng nhiều đáp án.
Vậy nên, tại Hội thi năm nay, xét thấy lượng tranh vẽ tại nhà gửi đến dự thi (tạm hiểu đây như một khâu sàng lọc) chất lượng thua các năm trước, dự báo tranh vẽ trực tiếp tại chỗ sẽ kém hơn nữa, Ban tổ chức đã thay đổi thể thức thi vào giờ chót, cho chọn chủ đề thay vì bốc thăm. Vui mừng vì được tháo khoán, vì “trúng tủ”, khán phòng thi vẽ rộn lên những tràng pháo tay tán thưởng của thí sinh và không ít người lớn bên ngoài. Với những bức tranh đã vẽ sẵn trong đầu, tận dụng tối đa thời lượng thi, không qua phác thảo, gần như tất cả các em bập vào vẽ ngay từ những nét đầu tiên…
Qua vài lần trò chuyện về tác phẩm với một số tác giả đoạt giải cao tại sân chơi này, người viết cảm thấy bị hụt hẫng và cảm thấy khó hiểu vì sao các tác giả lại không chia sẻ được gì nhiều về bức tranh vừa đoạt giải của mình. Ở đây, người viết đã tính cả yếu tố các em rụt rè khi nói chuyện với người lạ. Các em cũng không phấn khích, kém hào hứng với thành tích vừa giành được nhờ nỗ lực sáng tạo cá nhân, điều mà ở lứa tuổi các em lẽ ra phải có và thật nồng nhiệt.
Trước khi hội thi này diễn ra, có dịp làm việc với một họa sĩ trong ban giám khảo, họa sĩ này kể chuyện đã từ chối đề nghị của một phụ huynh dẫn con đến nhà nhờ “dạy cấp tốc” để đi thi vẽ.
Hội thi vẽ - triển lãm tranh thiếu nhi là sân chơi của trẻ em, là chỗ dành cho những sáng tạo của cá nhân, xin đừng vì những vụ lợi mà làm vẩn đục một không gian đậm chất trẻ thơ.
KHẢI THƯ