Thực hiện kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể:
Nhiều địa phương chưa thật sự vào cuộc
Từ ngày 15.8.2010, Thông tư số 04 của Bộ VH-TT&DL quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) và lập hồ sơ để đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia có hiệu lực thi hành trên cả nước. Tuy vậy, đến nay nhiều địa phương trong tỉnh vẫn chưa thật sự bắt tay vào cuộc, những khó khăn, vướng mắc nảy sinh chưa được khắc phục…
Thiếu nhất quán
5 địa phương trong tỉnh đã và đang bắt tay vào kiểm kê là An Lão, Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn, Hoài Ân và Quy Nhơn. Trong đó, thực hiện sớm nhất là huyện An Lão, từ tháng 4.2011, địa bàn kiểm kê đầu tiên là xã An Toàn. Từ đó trở đi, huyện này còn tổ chức kiểm kê ở các xã An Dũng, An Nghĩa, An Vinh. Hiện nay, Phòng VH-TT An Lão đang tổ chức kiểm kê tại xã An Quang.
Nghệ thuật tuồng là một trong những DS VHPVT tiêu biểu của Bình Định được chọn lập hồ sơ khoa học, trình Bộ VH-TT&DL xem xét đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia.
- Trong ảnh: Một vở diễn của Đoàn tuồng không chuyên Ánh Dương.
Ông Hoàng Ngọc Thành, Trưởng phòng VH-TT An Lão, cho biết: “Chúng tôi tổ chức kiểm kê theo địa bàn, tại mỗi xã, vừa khoanh vùng nơi có mật độ, trữ lượng DSVHPVT nhiều để tập trung kiểm kê, vừa cử cán bộ của Phòng VH-TT phối hợp với chính quyền, các hội đoàn thể, người dân địa phương để rà soát, tìm hiểu và thu thập cặn kẽ, tránh việc kiểm kê bị bỏ sót. Đi và “nhặt” cho kỳ hết ở 10 xã, thị trấn, 57 thôn trong huyện, sau đó sẽ tiến hành xử lý tư liệu (ghi chép, hình ảnh, ghi âm, quay phim), phân loại, tổng hợp, đánh giá hiện trạng của từng loại hình DSVHPVT trên địa bàn”.
Danh mục DSVHPVT mà Phòng VH-TT TP Quy Nhơn tổ chức kiểm kê trong năm 2012 hướng đến 3 di sản: lễ cúng Thanh Minh (thuộc loại hình lễ hội truyền thống, địa bàn phân bố được xác định ở Quang Trung, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Nhơn Bình, Nhơn Lý, Nhơn Châu), hội đánh bài chòi cổ (thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, phân bố ở Quang Trung, Thị Nại, Trần Phú, Ngô Mây, Ghềnh Ráng, Nhơn Châu, Nhơn Lý, Nhơn Hải) và lễ hội cầu ngư (loại hình lễ hội truyền thống, phân bố ở Trần Phú, Hải Cảng, Nhơn Châu, Nhơn Hải, Nhơn Hội, Nhơn Lý). Theo ông Lê Ngọc Anh, Trưởng phòng VH-TT TP Quy Nhơn, đây là 3 DSVHPVT phân bố rộng rãi trên hầu hết các xã, phường của thành phố, với hiện trạng được xác định là đang được duy trì, bảo tồn, phát huy, được ưu tiên kiểm kê trước. Bên cạnh đó, Quy Nhơn còn nhiều loại hình DSVHPVT khác cần được kiểm kê, đánh giá để có kế hoạch, biện pháp bảo tồn và phát huy.
Trong khi đó, ở các huyện, thị xã còn lại, công tác kiểm kê chỉ dừng lại ở mức lập danh sách, danh mục DSVHPVT, địa bàn phân bố và báo cáo danh sách về Sở VH-TT&DL. Nhóm các địa phương thực hiện theo phương thức khá giản đơn này gồm có An Nhơn, Tây Sơn, Vân Canh, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ. Có thể thấy, công tác kiểm kê DSVHPVT ở các địa phương này mới chỉ nằm trên giấy, đồng nghĩa công tác chỉ đạo kiểm kê trong cả tỉnh bộc lộ sự thiếu nhất quán.
“Án binh bất động” đến bao giờ?
Hai vướng mắc lớn nhất gây khó khăn, ì ạch tiến độ kiểm kê được đưa ra là không có kinh phí để thực hiện và thiếu nghiệp vụ kiểm kê. Ông Võ Văn Tín, Trưởng phòng VH-TT huyện Hoài Ân, cho biết: “Năm 2012, chúng tôi tổ chức kiểm kê tại xã Ân Sơn, sản phẩm thu về khá ít ỏi gồm hồ sơ tư liệu, chân dung về 3 nghệ nhân: hát dân ca H’re, đan lát và thông thạo các bài thuốc dân gian. Sự ít ỏi này cũng phần nào nói lên các loại hình DSVHPVT ở Ân Sơn đang bị mai một. Kinh phí đi về cơ sở kiểm kê lần đó được trích từ nguồn cấp cho hoạt động nghiệp vụ của Phòng VH-TT năm 2012; năm nay kinh phí này lại giảm, kế hoạch kiểm kê tại 2 xã vùng cao còn lại là Đắk Mang, Bok Tới không thực hiện được”.
Huyện Hoài Ân có 15 xã, thị trấn, các loại hình di sản VHPVT phong phú của người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số Bana, H’re đan xen nhau. Tuy nhiên, đã quá nửa chặng đường kiểm kê mới chỉ triển khai được tại… 1 xã.
Tại TP Quy Nhơn, quá trình triển khai kiểm kê di sản, các cán bộ gặp không ít khó khăn, lúng túng về nghiệp vụ. Để chất lượng kiểm kê DSVHPVT đạt hiệu quả cao hơn, Phòng VH-TT TP Quy Nhơn cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh tạm thời “án binh bất động” chờ tập huấn.
Không chỉ vướng mắc ở kinh phí và nghiệp vụ, công tác kiểm kê càng lâm vào khó khăn khi chưa nhận được sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp đúng mức từ chính quyền các cấp. Theo Trưởng phòng VH-TT huyện Vĩnh Thạnh Huỳnh Đức Bảo, nhận thức của một số cấp lãnh đạo, một bộ phận người dân chưa cao, chưa thấy được tầm quan trọng của việc kiểm kê lần này nên việc chỉ đạo, phối hợp chưa thật sự đồng bộ. Từ kinh nghiệm tổ chức kiểm kê tại 2 xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Kim (thực hiện năm 2012), ông Bảo kiến nghị: “Huyện ủy, UBND huyện nên có văn bản chỉ đạo Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn xác định công tác kiểm kê DSVHPVT là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài. Đồng thời tập trung tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa và tham gia thực hiện”.
Hiện nay, ở các huyện miền núi, phần lớn DSVHPVT thường do các bậc cao tuổi nắm giữ, thực hành. Việc sưu tầm, kiểm kê gặp rất nhiều trở ngại, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức của đội ngũ cán bộ trực tiếp kiểm kê. Trong khi các địa phương vẫn tiếp tục “kêu” những điệp khúc khó và tiếp tục “án binh bất động”, liệu DSVHPVT trong tỉnh, đặc biệt với những di sản đang bị mai một, người nắm giữ, thực hành di sản đã cao tuổi, có chờ đợi được?
SAO LY