Hỗ trợ học tập có điều kiện cho sinh viên y khoa:
Một cách “gỡ khó” cho các cơ sở y tế
Trước thực trạng khó khăn về sự thiếu hụt nhân lực, nhiều cơ sở y tế phải xoay xở tìm cách tạo nguồn. Hỗ trợ học tập có điều kiện là một cách làm bước đầu mang lại hiệu quả ở Tây Sơn và Vĩnh Thạnh.
Đôi bên cùng có lợi
Khi còn làm Giám đốc BVĐK khu vực Phú Phong, bác sĩ Trương Quang Đạt đã đưa ra ý tưởng hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên Tây Sơn theo học ĐH ngành y, dược. Đổi lại, các em phải cam kết sau khi ra trường sẽ phục vụ tại Bệnh viện ít nhất 5 năm. Từ năm 2008 đến nay, Bệnh viện đã hỗ trợ cho 5 sinh viên, với kinh phí gần 281 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Khắc Sâm, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Hành chính quản trị, BVĐK khu vực Phú Phong, số lượng bác sĩ chưa đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, nhiều người còn phải làm công tác quản lý. “Bệnh viện hiện có 31 bác sĩ, phải tăng cường khoảng 5-8 người mới “tạm đủ”. Khoa Nội tim mạch và Truyền nhiễm đều chỉ có 1 bác sĩ; khoa Nhi có 2 bác sĩ, nhưng năm 2014 sẽ có 1 người nghỉ hưu. Thiếu bác sĩ nên chúng tôi chưa thực hiện một số chuyên khoa sâu ở hệ Ngoại”, ông Sâm cho biết.
Tháng 9 này, Võ Từ Nhất - một trong 5 sinh viên nhận hỗ trợ học tập có điều kiện - sẽ về làm việc tại Bệnh viện. Giám đốc BVĐK khu vực Phú Phong Dương Văn Hóa khẳng định, trước tình trạng khan hiếm và “chảy máu” bác sĩ hiện nay ở nhiều cơ sở y tế, có thêm 1 bác sĩ cũng đã thay đổi “cục diện”.
Tại TTYT huyện Vĩnh Thạnh, 10% kinh phí kết dư từ nguồn xã hội hóa trang thiết bị y tế được dùng cho quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, củng cố nguồn nhân lực. Từ nguồn quỹ này, Trung tâm đã hỗ trợ học tập cho 4 sinh viên, khoảng 15 triệu đồng/năm học/sinh viên. Đến nay, đã có 3 người tốt nghiệp về nhận công tác. Giám đốc Trung tâm Hứa Tự Thảo bày tỏ: “Những bác sĩ được đào tạo chính quy này là nguồn bổ sung rất quan trọng cho đội ngũ y bác sĩ”.
Bác sĩ Đinh Thị Mỹ Li Ly mới về công tác tại TTYT Vĩnh Thạnh được 1 tháng nay. Trong thời gian “học việc”, cô bác sĩ mới ra trường này phải “chạy sô” ở khoa Nội lẫn khoa Bệnh nhiệt đới. “Dù chỉ được nhận hỗ trợ vào năm học cuối, nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự quan tâm tận tình từ lãnh đạo Trung tâm”, bác sĩ người Bana này chia sẻ.
Không chỉ bác sĩ Ly, hoạt động hỗ trợ học tập có điều kiện đã giúp nhiều sinh viên và gia đình nhẹ gánh kinh phí. Lớn lên trong gia đình thuần nông có 4 anh chị em, Nguyễn Thị Kim Học (ở thôn Hữu Giang, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) là người được tạo điều kiện tốt nhất để học tập. Tốt nghiệp lớp chuyên Hóa Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Học thi đậu ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh với số điểm 29,5. “Nếu nỗ lực hết sức, gia đình vẫn lo được chi phí học tập cho em. Nhưng, có được nguồn hỗ trợ từ BVĐK khu vực Phú Phong, em thấy vững tâm hơn rất nhiều, ba má cũng đỡ chật vật hơn”, Học tâm sự.
Còn những băn khoăn
Khó khăn về tài chính, 3 năm gần đây, BVĐK khu vực Phú Phong không nhận hỗ trợ học tập cho sinh viên nào nữa. Theo bác sĩ Dương Văn Hóa, một khó khăn khác là chính sách này cũng chưa nhận được sự đồng thuận của tất cả bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện. Nhiều người cho rằng, đầu tư cho các sinh viên khi chưa biết chắc chắn họ có về nhận công tác hay không là không công bằng với những người đã có nhiều cống hiến. Họ cũng cần “tiếp sức” để ổn định cuộc sống, yên tâm công tác.
Lãnh đạo một số cơ sở y tế cho rằng, hỗ trợ học tập có điều kiện là một cách làm hay. Tuy nhiên, trong tình hình “chật vật” về kinh phí như hiện nay, việc nhân rộng hoạt động này không hề đơn giản.
“Chúng tôi sẽ đề xuất chế độ hỗ trợ cho các bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện. Với hoạt động hỗ trợ học tập có điều kiện, sẽ lựa chọn đối tượng kỹ hơn, ưu tiên cho con em trong ngành, nhất là những người đang công tác tại Bệnh viện, và sinh viên có hoàn cảnh gia đình thật sự khó khăn. Hợp đồng tài trợ chặt chẽ hơn về điều kiện ràng buộc, để đảm bảo các em sẽ về phục vụ”, bác sĩ Hóa khẳng định.
Do thông tin về chế độ hỗ trợ của TTYT Vĩnh Thạnh chưa được phổ biến rộng rãi, hầu hết những sinh viên được Trung tâm hỗ trợ học tập chỉ nhận được học bổng từ năm học thứ 5 trở đi. “Tuy thời gian hỗ trợ không dài, nhưng chúng tôi vẫn tạo mối quan hệ tốt đẹp với các sinh viên và gia đình. Mỗi lần người nhà của các em đau ốm phải nằm viện, lãnh đạo Trung tâm đều quan tâm thăm hỏi. “Cái tình” cũng là một thứ ràng buộc hữu hiệu để các em gắn bó và thoải mái khi về làm việc tại Trung tâm”, bác sĩ Hứa Tự Thảo chia sẻ.
Hiện nay, nguồn sinh viên y khoa trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh rất ít ỏi. Bác sĩ Thảo cho biết, Trung tâm sẵn sàng hỗ trợ cho cả các trường hợp không phải là người địa phương, miễn sao họ có cam kết về Trung tâm công tác.
NGUYỄN VĂN TRANG