Gặp những “đôi tay vàng” của ngành may
Ðó là chị Phan Thị Thiện (27 tuổi, ở xã Hoài Thanh Tây), công nhân Công ty CP may Tam Quan và chị Ðỗ Thị Hồng Lá (29 tuổi, ở xã Tam Quan Nam), công nhân Công ty CP đầu tư An Phát (huyện Hoài Nhơn). Cả hai đều là lao động giỏi của công ty và đặc biệt, trong năm 2016, được UBND tỉnh tặng Bằng khen, tuyên dương là những công nhân, lao động tiêu biểu.
Công nhân Đỗ Thị Hồng Lá
Người luôn dẫn đầu năng suất
Sau thời gian làm việc cho một doanh nghiệp tư nhân may gia công ở Quy Nhơn, thấy thu nhập bấp bênh và chế độ chính sách không đầy đủ, năm 2007, chị Phan Thị Thiện về quê, nộp đơn xin vào làm việc tại Công ty CP may Tam Quan. Từ đó đến nay, chị Thiện đã kinh qua nhiều công việc, bộ phận trong chuyền may như: ủi, cắt, cắt chỉ, vá lắp… Dù làm việc gì chị đều luôn cố gắng vượt qua khó khăn, thử thách ban đầu để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian ngắn vào làm việc, chị Thiện đã vươn lên dẫn đầu về năng suất của Xí nghiệp 2 và cả Công ty CP may Tam Quan. Chị Thiện vui vẻ cho biết: “Lương sản phẩm mỗi tháng của tôi luôn trong nhóm dẫn đầu xí nghiệp, công ty. Thu nhập bình quân của tôi đạt hơn 5 triệu đồng/tháng, có tháng đạt năng suất cao thì được hơn 6 triệu đồng”.
Bà Võ Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Xí nghiệp 2, Công ty CP may Tam Quan, nhận xét: “Trong các đợt thi đua năng suất, chất lượng do công ty, xí nghiệp và công đoàn phát động, chị Thiện đều tham gia tích cực và luôn đạt thành tích cao; được lãnh đạo công ty, xí nghiệp và công đoàn công nhận và khen thưởng. Từ năm 2011 đến nay, chị Thiện luôn đạt danh hiệu thi đua Lao động giỏi cấp cơ sở và được công đoàn các cấp tuyên dương”.
Công nhân Phan Thị Thiện
Làm mẫu cho công nhân mới
7 năm gắn bó với Công ty CP đầu tư An Phát, chuyên may áo jacket, chị Đỗ Thị Hồng Lá, làm việc tại Xí nghiệp may 1A, hiểu được những khó khăn, phức tạp trong việc hoàn thành loại sản phẩm này.
Chị Lá kể: “Với sản phẩm áo jacket, trong quá trình may, nếu thao tác không nhanh gọn thì rất khó đạt năng suất cao, ảnh hưởng đến thu nhập. Chính vì vậy, tôi ý thức mình phải phát huy sáng kiến, cải tiến các thao tác, các công đoạn; lấy năng suất, chất lượng, hiệu quả làm thước đo đánh giá năng lực của bản thân mình. Nhờ vậy, tôi đã dần giảm được thời gian hoàn thành các công đoạn may và vượt định mức hàng tháng, quý, năm; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người công nhân và nâng cao thu nhập cho bản thân”.
Với kinh nghiệm nhiều năm đứng máy trực tiếp, chị Lá còn được Ban giám đốc công ty phân công làm mẫu cho các công nhân mới vào nghề. Ở nhiệm vụ này, chị Lá đã nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm thực tế của mình cho các công nhân khác, dù nhiều lúc phải về muộn. Bên cạnh đó, những sáng kiến kinh nghiệm của chị như: Rút ngắn giai đoạn cắt chỉ, sử dụng tiết kiệm nhiệt lượng trong máy ủi… đã góp phần làm lợi cho công ty, được Ban giám đốc ghi nhận và đưa vào áp dụng trong toàn công ty.
Đánh giá về nữ công nhân tiêu biểu của doanh nghiệp mình, bà Nguyễn Thị Miền, Quản đốc Xí nghiệp may 1A, Công ty CP đầu tư An Phát, khẳng định: “Chị Lá không chỉ là công nhân may giỏi mà còn tham gia tích cực vào các hoạt động do công ty và công đoàn tổ chức, là một gương công nhân điển hình để các công nhân khác trong toàn công ty noi theo”.
NGUYỄN PHÚC