Múa vào văn nghệ trường học
Tại các trường học ở TP Quy Nhơn, cứ đến dịp hội thi, hội diễn văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11) hàng năm, học sinh ở nhiều lớp lại mời các biên đạo, diễn viên múa có năng khiếu, kinh nghiệm về dàn dựng chương trình.
Một tiết mục văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam của học sinh trường Trần Cao Vân, Quy Nhơn.
Hơn 10 ngày qua, cuối mỗi buổi chiều sau giờ học, biên đạo Châu My lại tất bật với việc dàn dựng tiết mục múa minh họa cho học sinh Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt. “Dàn dựng múa cho học sinh tiểu học, có cái khó là mình phải tìm cách truyền tải, hướng dẫn sao cho phù hợp để các cháu tập luyện được. Thường phải tập luyện liên tục khoảng hai tuần mới xong một tiết mục” - biên đạo Châu My chia sẻ.
Ngoài 3 lớp ở Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, biên đạo Châu My còn dàn dựng cho 3 lớp ở các trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Hùng Vương, nên phải huy động thêm các em trong vũ đoàn của cô phụ giúp.
Chương trình văn nghệ trường học thường hướng đến chủ đề ca ngợi đất nước và con người Việt Nam nói chung, Bình Định nói riêng, vì thế việc biên đạo dễ đi vào lối mòn, khuôn sáo. Mùa văn nghệ 20.11 năm nay, diễn viên múa Kim Tiễn không chỉ dàn dựng cho nhiều lớp ở các trường THPT tại TP Quy Nhơn, mà còn nhận lời biên đạo cho học sinh ở 2 trường THPT tại huyện Tuy Phước. Không trùng lặp là yếu tố đầu tiên phải đặt ra, vì thế, Kim Tiễn tìm tòi ý tưởng, xây dựng kịch bản biên đạo riêng cho từng tiết mục.
Mấy năm gần đây, hội diễn văn nghệ của nhiều trường học đã có thêm nhiều tiết mục nhảy hiện đại. Không chỉ thu hút giới trẻ, đến nay, nhiều giáo viên cũng bớt dần định kiến về nhảy hiện đại, vì thế loại hình này xuất hiện khá nhiều trong văn nghệ trường học.
“Các tiết mục múa trong văn nghệ trường học có sự tham gia tích cực của các biên đạo, diễn viên múa nên đã có sự nâng cao về chuyên môn!” - biên đạo Hoàng Việt, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ múa Bình Định trao đổi.
HOÀI THU