Các cơ sở tái chế phế liệu ở Cát Tân gây ô nhiễm môi trường
Thời gian gần đây, trên địa bàn xã Cát Tân, huyện Phù Cát, xuất hiện nhiều điểm thu mua và tái chế phế liệu tự phát trong các khu dân cư. Các cơ sở này đều không đăng ký kinh doanh và không có các biện pháp bảo vệ môi trường nên đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm cho nhiều hộ dân lân cận bức xúc.
Xã Cát Tân hiện có 479 cơ sở và hộ gia đình sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thu mua và xay xát nhựa phế liệu, tập trung chủ yếu ở các thôn Kiều An, Tân Lệ, Hòa Dõng. Các cơ sở này đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 760 lao động tại địa phương, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả mang lại, hàng ngày các cơ sở này thải ra môi trường một lượng rất lớn khói thải độc hại, nước rửa nhựa bị nhiễm bẩn và tiếng ồn phát ra từ các máy xay xát nhựa.
Để tái chế dầu hắc, các cơ sở phải nấu liên tục một lượng lớn nhựa đường để các tạp chất như cát, đá lắng xuống dưới và lấy phần dầu hắc tan chảy ra. Việc nấu dầu hắc này thải ra một lượng khói đen và mùi hôi rất khó chịu. Còn đối với các cơ sở thu mua phế liệu, sau khi lựa ra những phế liệu có thể tái chế được thì đồng thời cũng thải ra một lượng lớn phế thải, nhiều nhất là các chai thuốc trừ sâu bằng nhựa, xốp mũ bảo hiểm, các vật dụng khác... Các chất thải này được các cơ sở lén lút đem ra các bãi đất trống gần đó vứt hoặc đốt, gây ra mùi hôi, khét rất khó thở. Ngoài ra, các máy xay xát nhựa hoạt động hàng ngày cũng gây ra tiếng ồn lớn; nước rửa nhựa cũng được thải tự do ra môi trường. Do đó, nguy cơ ô nhiễm môi trường nước là rất cao, gây tâm lý lo lắng và bức xúc cho nhiều hộ dân sống lân cận.
Hơn 15 năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Đạt, ở xóm Trạm, thôn Kiều An phải sống chung với khói độc, bởi sát vách nhà bà là một cơ sở tái chế dầu hắc. Mỗi ngày, cơ sở này nấu khoảng 10-15 phuy dầu hắc, thải ra một lượng lớn khói bụi độc hại. Còn gia đình ông Đặng Văn Tới, một trong những hộ dân phải hứng chịu khói độc từ việc đốt phế thải, cho biết: Cứ khoảng 6 - 7 giờ tối là những người thu mua phế liệu lại đem các phế liệu không tái chế được, trong đó có dây điện ra các bãi đất trống gần khu dân cư đốt để lấy lõi đồng, gây mùi hôi, khét đến nín thở.
Ở xóm Kiều Hiệp, thôn Kiều An, gần một trăm hộ dân sống gần các cơ sở thu mua và xay xát nhựa phế liệu cũng phải gánh chịu tiếng ồn và khói bụi từ những chiếc máy xay xát nhựa. Nước rửa nhựa có màu đục nhờ nhợ và mùi khen khét cũng được thải tự do ra môi trường.
Ông Nguyễn Văn Lê, Chủ tịch UBND xã Cát Tân, cho biết: Xã cũng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở bà con bảo vệ môi trường, vận động một số cơ sở gây ô nhiễm di dời đến nơi thích hợp hoặc chuyển đổi nghề; đồng thời phối hợp với các ngành của huyện kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, các cơ sở này vẫn tiếp tục hoạt động sản xuất. Trong khi đó, chức năng của xã chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở còn việc xử phạt thì thuộc thẩm quyền của các ngành chức năng. Hiện xã đã quy hoạch 2 điểm sản xuất tiểu thủ công nghiệp tập trung ở thôn Hòa Dõng và thôn Hữu Hạnh. Các điểm này đang được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dự kiến đến năm 2015 sẽ hoàn thành. Hy vọng đến lúc đó, sẽ đưa được các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và thu mua, xay xát nhựa đến đó tập trung sản xuất và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.
Trường Giang